Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu giống mía trong nước
Giống mía là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp nâng cao năng suất, chất lượng ngành mía đường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện, công tác nghiên cứu, lai tạo,... giống mía của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp kịp thời khắc phục khi quá trình hội nhập đang ngày càng tới gần.
|
Giống mía là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng ngành mía đường (Ảnh: HM) |
Theo Viện Nghiên cứu Mía đường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong 10 năm gần đây, mặc dù năng suất mía bình quân ở nước ta đã được nâng lên đáng kể từ 53,5 tấn/ha ở vụ 2002-2003 lên đạt 64,7 tấn/ha ở vụ 2013-2014, tăng trung bình hơn 1 tấn/ha/năm, cao hơn 5 lần so với mức tăng bình quân của thế giới 0,2 tấn/năm. Tuy nhiên, so với bình quân thế giới, của một số vùng và quốc gia trong khu vực xung quanh, năng suất mía nước ta vẫn thuộc nhóm trung bình, thấp hơn so với bình quân của thế giới khoảng 6,1 tấn/ha, của khu vực Đông Nam Á khoảng 7,7 tấn/ha,…Đặc biệt, nguyên liệu mía của ta hiện nay cũng ở mức khá thấp, trong 5 vụ mía gần đây luôn thấp hơn từ 1,83 – 2,16 CCS (chữ đường) so với Thái Lan. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân được đề cập đầu tiên là yếu tố giống.
Kết quả thống kê của Cục Trồng trọt năm 2014 cho thấy, cả nước hiện có trên 72 giống mía đang trồng trong sản xuất. Trong đó có 54 giống có diện tích trồng đạt trên 100 ha, 29 giống có diện tích trồng đạt trên 1.000ha, 15 giống có diện tích trồng đạt trên 5.000ha,…Hiện tại, các giống mía nhập nội từ nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu bộ giống mía ở Việt Nam, trong khi đó, giống mía do Việt Nam lai tạo mới chỉ chiếm 2% trong cơ cấu bộ giống mía ở Việt Nam. Số liệu này chỉ rõ ngành mía đường Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển theo quy luật chung của thế giới.
Bên cạnh bất cập về sự phụ thuộc hơi quá vào nguồn giống mía nhập từ nước ngoài, cơ cấu bộ giống mía ở hầu hết các vùng sinh thái nước ta còn nhiều bất cập khác như: chưa cân đối giữa các nhóm giống chín sớm, chín trung bình và chín muộn. Đang thiếu trầm trọng các giống mía chịu hạn; trong khi đó ở một số vùng mía đặc thù cũng đang thiếu một số nhóm giống chịu ngập, úng, phèn, mặn hoặc chống chịu sâu, bệnh và các điều kiện bất thuận khác.
Do không chủ động được khâu giống nên các khâu khác đi theo sau như bón phân, cơ giới hóa, thủy lợi hóa,…hiện đang rất thụ động, không theo kịp yêu cầu thâm canh của giống dẫn tới hiệu quả sử dụng giống chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng của giống. Ngoài ra, do phương thức đầu tư, thu mua mía nguyên liệu của đa số các nhà máy đường hiện chưa hợp lý, việc xác định chữ đường chưa thật sự minh bạch nên dẫn đến một số tập quán sử dụng giống bất hợp lý, gây thiệt hại cho cả người trồng mía và nhà máy đường.
Thời gian qua, do yêu cầu phát triển quá nhanh của ngành mía đường, chúng ta đã quá chú trọng tới việc nhập nội giống từ nước ngoài mà gần như bỏ quên công tác nghiên cứu, lai tạo và phát triển các giống mía trong nước. Việc nhập nội giống mía từ nước ngoài là một yêu cầu tất yếu đối với ngành mía đường non trẻ như Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhập khẩu giống và quản lý giống mía sau nhập khẩu trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, khối lượng từng giống nhập về quá nhiều không cần thiết và lãng phí vì mía được nhân bằng phương pháp vô tính. Chỉ cần sau 1 năm, với phương pháp nhân giống 1 năm 2 vụ đơn giản có thể đạt hệ số nhân từ 10-15 lần, nếu áp dụng phương pháp nuôi cấy mô có thể đạt được hệ số nhân gấp hàng trăm lần.
Trong khi đó, việc kiểm dịch, kiểm soát sâu bệnh hại tại cửa khẩu và sau nhập khẩu rất khó thực hiện, do mía giống nhập khẩu thường được vận chuyển qua các cửa khẩu bằng đường bộ. Sau khi nhập khẩu, mía giống được đưa đi trồng ở nhiều nơi, thậm chí ở ngay trong các vùng nguyên liệu mía tập trung có diện tích lớn không cách ly chặt chẽ. Do đó, nếu để xảy ra các dịch bệnh mới phát sinh sẽ rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, nhiều giống mía sau khi được nhập nội từ nước ngoài, chưa hề thông qua khảo, kiểm nghiệm, công nhận giống và cho phép kinh doanh đã được đưa ngay vào trồng trọt, nhân giống, mua bán,… nhưng hầu như ít bị cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt hay cảnh báo.
Bởi vậy, theo Viện Nghiên cứu Mía đường ,trong thời gian tới, nhất là sau năm 2018, để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh được với các nước trong khu vực, ngành mía đường Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về chính sách, kinh tế và kỹ thuật. Trong đó, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mía đường nói chung, công tác giống mía nói riêng cần được ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Giống mía là tiền đề rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành mía đường. Công tác giống mía và lai tạo giống ở Việt Nam hiện nay mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển theo quy luật phát triển thông thường. Chỉ khi nào Việt Nam có bộ giống riêng, do Việt Nam lai tạo, phù hợp với từng vùng đất, ngành sản xuất mía đường mới hội đủ điều kiện đi vào thế giới phát triển ổn định.
Để sớm đạt điều đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản cho riêng ngành mía đường. Đây là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển của một ngành kinh tế – xã hội đặc thù như ngành mía đường mà hầu hết các nước sản xuất mía đường trên thế giới đã thực hiện và thu được hiệu quả cao. Trong đó, cần có một quy định rõ ràng về việc trích nộp trên đầu tấn mía, hình thành nên Quỹ nghiên cứu và phát triển mía đường nhằm đầu tư trở lại cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mía đường. Có như vậy công tác nghiên cứu và phát triển giống mía trong nước mới thực sự có đủ điều kiện để phát triển, tạo điều kiện cho ngành mía đường phát triển và có thế mạnh cạnh tranh bình đẳng với các nước sản xuất mía đường khác trong khu vực, nhất là giai đoạn sau năm 2015, khi hàng rào thuế quan và mậu dịch về mía đường hoàn toàn bị dỡ bỏ theo cam kết thực hiện AFTA (Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN).
Thêm vào đó, sản xuất giống mía là họat động đặc thù, gắn kết chặt chẽ lợi ích giữa người trồng mía và nhà máy đường. Do vậy, trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa vai trò của các nhà máy đường trong việc bỏ vốn đầu tư và đảm nhận các dịch vụ, trong đó có dịch vụ nhân giống, sản xuất và cung ứng hom giống chất lượng cao cho nông dân.
Đồng thời, công tác nghiên cứu, lai tạo và phát triển giống trong nước cần được tiến hành thường xuyên và liên tục. Bởi tuy phải đầu tư tương đối cao, đòi hỏi kỹ thuật tốt và tốn nhiều thời gian nhưng hiệu quả cao do giống thích nghi với điều kiện môi trường dễ hơn các giống mía nhập và tạo ra được các kiểu gen mong muốn. Trong đó, cấp thiết nhất là việc đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực lai tạo giống của Trung tâm lai tạo giống mía thuộc Viện nghiên cứu Mía đường tại tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng các công nghệ và thiết bị sinh học, công nghệ cao vào công tác chọn giống mía mới để nâng cao hiệu suất lai tạo, giảm chi phí tạo chọn giống và đáp ứng kịp thời nhu cầu giống mía mới ngày càng cao của sản xuất.
Mặt khác, để giống mía mới sau khi được đưa vào sản xuất có thể tồn tại lâu và phát triển hiệu quả hơn, thời gian tới cần chú ý và tăng cường hơn nữa công tác tuyển chọn giống mía mới cho các vùng mía nguyên liệu dựa trên kiểu khí hậu và kiểu đất theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, rải vụ, chống chịu và thích ứng tốt với các điều kiện bất lợi của môi trường.
Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước sản xuất mía đường trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực trao đổi, nhập nội giống, vật liệu di truyền, công nghệ sinh học áp dụng cho việc chọn tạo và nhân nhanh giống cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xã hội hóa việc đầu tư vốn, từng bước thiết lập hệ thống sản xuất và cung ứng hom giống mía chất lượng cao 3 cấp tới từng vùng mía nguyên liệu nhằm tiến tới có thể đáp ứng được 100% nhu cầu về hom giống trồng mới hàng năm, thay cho nguồn hom giống chất lượng kém đang chủ yếu được lấy từ nguồn mía nguyên liệu hiện nay.
Ngòai ra, cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước về công tác quản lý giống cây trồng nói chung, giống mía nói riêng. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, nghị định, chế độ, chính sách về công tác giống mía do Nhà nước ban hành.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()