Đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi
LSO-Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi (NCT) là nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp Hội NCT trong tỉnh quan tâm phối hợp thực hiện trong suốt thời gian qua. Việc làm này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần động viên tinh thần sống vui, sống khỏe cho lớp NCT.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trao giấy chứng nhận kết quả cho các đoàn tham dự Liên hoan Tiếng hát NCT tỉnh lần thứ VI năm 2014 |
Tỉnh ta hiện có hơn 60.718 hội viên NCT, chiếm 89,46% số NCT trên địa bàn. Thời gian qua, công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT đã được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân quan tâm thực hiện và đạt kết quả thiết thực. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 6.439 cụ, với số tiền trên 903 triệu đồng. Số NCT được thăm hỏi, tặng quà là 3.704 cụ, tổng kinh phí thực hiện gần 198 triệu đồng; trong đó có 20 cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà. Các cụ đã bày tỏ niềm phấn khởi, xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp Hội NCT. Cũng trong năm qua, Ban đại diện Hội NCT đã đề xuất với chính quyền, MTTQ hỗ trợ xóa 31 nhà tạm cho gia đình NCT, với số tiền hơn 495 triệu đồng; phối hợp với ngành y tế khám sức khỏe định kỳ cho trên 35.400 NCT, hơn 47.000 NCT được cấp thẻ BHYT…
Mặt khác, các cấp hội đã đa dạng hóa các hình thức chăm sóc hội viên, NCT; mở rộng các mô hình sinh hoạt như: câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ dưỡng sinh… Đến nay, toàn tỉnh có 254 câu lạc bộ thuộc nhiều loại hình khác nhau, thu hút hơn 5.700 NCT tham gia. Các câu lạc bộ này thường xuyên tổ chức tập luyện, giao lưu thi đấu với nhau, góp phần tạo sân chơi bổ ích cho NCT. Đáng chú ý là ngoài giao lưu trong tỉnh, nhiều câu lạc bộ đã tổ chức với nhiều đơn vị ngoài tỉnh. Đơn cử, năm 2014, câu lạc bộ Dưỡng sinh thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã tổ chức giao lưu với một số câu lạc bộ Dưỡng sinh của thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; câu lạc bộ Bóng chuyền hơi phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã tổ chức đến giao lưu với đội Bóng chuyền hơi phường Khương Mai, thành phố Hà Nội. Bên cạnh sự chủ động giao lưu ở cơ sở, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động giao lưu có quy mô. Nổi bật là tổ chức thành công Liên hoan Tiếng hát NCT tỉnh lần thứ VI năm 2014. Liên hoan một lần nữa khẳng định và phát huy khả năng hoạt động sáng tạo văn hóa, văn nghệ; cổ vũ, nâng cao tinh thần sống vui, sống khỏe cho NCT.
Cùng với các hoạt động trên, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể còn phối hợp tạo điều kiện cho các hộ gia đình NCT được vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, phát huy tài năng, kinh nghiệm của mình, NCT trong tỉnh đã giúp con cháu lao động, sản xuất hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống gia đình. Đặc biệt, nhiều NCT trong số đó đã vươn lên trở thành người làm kinh tế giỏi tại địa phương. Theo thống kê từ Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.480 NCT làm kinh tế giỏi; trong đó có 240 NCT làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, một số chính sách đối với NCT chưa được giải quyết kịp thời; một bộ phận NCT còn khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần, trong đó có khoảng 380 NCT đang ở nhà tạm. Theo ông Hứa Hạnh, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh: để bảo đảm các chủ trương của Đảng, chế độ chính sách của Nhà nước đối với NCT được triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả, trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về NCT để người dân hiểu rõ tầm quan trọng công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT; qua đó đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng phát huy vai trò NCT”. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật NCT, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng; từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe cho NCT…
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()