Đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp
LSO-Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.359 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trên 90% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chủ yếu nguồn vốn kinh doanh phụ thuộc chính vào nguồn vốn vay ngân hàng, khả năng tiếp cận thông tin và ứng phó với sự biến đổi của thị trường còn yếu.
LSO-Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.359 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trên 90% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chủ yếu nguồn vốn kinh doanh phụ thuộc chính vào nguồn vốn vay ngân hàng, khả năng tiếp cận thông tin và ứng phó với sự biến đổi của thị trường còn yếu. Hiện tại, gần 400 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động không ổn định. Trên 600 doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng với tổng dư nợ trên 5000 tỷ đồng, chiếm khoảng 54% tổng dư nợ trên toàn địa bàn tỉnh. Do tác động xấu của nền kinh tế, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm dẫn đến không quay vòng được vốn, không thanh toán được vốn vay ngân hàng đúng theo cam kết. Tổng nợ xấu của riêng khối doanh nghiệp khoảng 310 tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng nợ xấu trên địa bàn. Từ thực trạng trên, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các giải pháp để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
![]() |
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Lạng Sơn |
Đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Năm 2013 doanh nghiệp sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, do vậy, Ngân hàng nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường huy động vốn, đảm bảo nguồn vốn tăng trưởng ổn định và vững chắc, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn. Đẩy mạnh mở rộng đầu tư tín dụng với cơ cầu tín dụng hợp lý, tiếp tục tập trung vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất huy động và cho vay tối đa. Áp dụng lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển. Tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng doanh nghiệp được đánh giá là có khả năng trả nợ sau một thời gian nhất định. Không được thu các khoản phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí quy định tại Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về thu phí cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng.
Kết quả bước đầu, trong thời gian qua hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện rà soát lại các khoản nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, triển khai chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên…Qua đó, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp khoảng 460 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lãi cho vay khoảng 2.620 tỷ đồng. Đồng thời, để doanh nghiệp và ngân hàng có thể gần nhau hơn nữa, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt giữa đại diện các ngân hàng và lãnh đạo các doanh nghiệp. Hai bên đã cũng trao đổi, thảo luận đưa ra những vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp. Trong thời gian tới các doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản và đưa ra được những dự án kinh doanh khả thi để ngân hàng thẩm định. Có phương án kinh doanh hiệu quả và sự hỗ trợ tín dụng từ phía ngân hàng thì các doanh nghiệp mới có thể khôi phục hoạt động sản xuất từ đó góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
ANH DŨNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()