Đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt
LSO-Năm 2016, bội chi tiền mặt qua quỹ ngân hàng là 146.839 tỷ đồng, tăng 89,91% so với năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2017, bội chi tiền mặt cũng đã lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt.
Khách hàng thực hiện giao dịch tại cây ATM của Ngân hàng BIDV TP Lạng Sơn – Ảnh: YÊN SƠN |
Nguyên nhân khiến bội chi tiền mặt tăng là do tỷ trọng tiền mặt sử dụng trong thanh toán lớn. Hầu hết các hoạt động tiêu dùng, mua sắm đều sử dụng tiền mặt, kể cả chi trả dịch vụ điện, nước, viễn thông…
Một ví dụ điển hình là hiện nay, việc trả tiền điện đã được Công ty Điện lực Lạng Sơn phối hợp với các ngân hàng, song số khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng (tự động trừ tiền qua tài khoản của khách hàng theo hóa đơn tiền điện hằng tháng) mới đạt khoảng 28% tổng số khách hàng sử dụng điện trên toàn tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Phần lớn khách hàng, người sử dụng điện vẫn e ngại thanh toán tiền điện qua ngân hàng, bởi tâm lý thanh toán truyền thống sử dụng tiền mặt đã tồn tại quá lâu.
Ông Phí Quang Dương, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Chi nhánh Lạng Sơn (Ngân hàng An Bình) cho biết: Không chỉ thanh toán tiền điện mà một số khoản khác như: điện thoại, internet…, người dân vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt để thanh toán. Mặc dù các ngân hàng thương mại luôn quan tâm tới việc phát triển dịch vụ giao dịch, chuyển khoản để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt như: tại một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố, Ngân hàng An Bình và một số ngân hàng thương mại khác đã lắp đặt máy quẹt thẻ ATM nhằm giúp khách hàng thanh toán không cần sử dụng tiền mặt, nhưng người dân vẫn chưa mạnh dạn sử dụng dịch vụ này.
Bên cạnh đó, với mục đích gia tăng tiện ích và đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch của khách hàng, Ngân hàng An Bình đã triển khai thêm tính năng chuyển khoản định kỳ của dịch vụ ngân hàng điện tử. Với tính năng này, khách hàng dễ dàng thực hiện các giao dịch thanh toán một cách nhanh chóng, theo kế hoạch chi tiêu mà không cần đến giao dịch trực tiếp tại các đơn vị cung cấp dịch vụ. Thay vì phải thực hiện các giao dịch giống nhau hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng, khách hàng có thể đặt lệnh chuyển khoản định kỳ theo lịch trình đặt trước. Đến ngày thanh toán theo lịch đã hẹn, các giao dịch sẽ được thực hiện đúng với số tiền và thông tin chi tiết mà khách hàng đã đặt trong lệnh chuyển khoản.
Ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nhằm đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mạng lưới ATM/POS, góp phần giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 68 máy ATM, 180 máy POS, tổng số thẻ ATM phát hành mới trong 8 tháng đầu năm 2017 là hơn 17 nghìn thẻ (nâng tổng số thẻ ATM toàn tỉnh lên gần 350 nghìn thẻ). Song song với công tác phát hành thẻ ATM, để khuyến khích người dân sử dụng thẻ trong thanh toán, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn mở rộng các điểm chấp nhận thẻ, gia tăng các dịch vụ tiện ích cho thẻ ATM.
Tuy vậy, hoạt động thanh toán không sử dụng tiền mặt trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Đó là ATM sử dụng cho giao dịch rút tiền mặt vẫn chiếm hơn 90% tổng số món và 78,63% giá trị giao dịch (giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua ATM thấp, chỉ chiếm 0,27% số món và 0,15% giá trị). Do vậy, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt như: tích cực tuyên truyền về tiện ích, tầm quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ và đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn cho khách hàng giao dịch qua ATM/POS; hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến an toàn, bảo mật…
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Cụ thể: 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()