Cán bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Thuận giải quyết hồ sơ cho khách hàng. Năm 2012 được xác định là năm tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; năm khởi đầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên đã có tác động lớn đến kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư sáu tháng đầu năm 2012 của các bộ, cơ quan, địa phương. Tỷ lệ giải ngân quá thấpTuy xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình (nhất là đối với vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, vốn chương trình mục tiêu quốc gia) bảo...
Cán bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Thuận giải quyết hồ sơ cho khách hàng. |
Năm 2012 được xác định là năm tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; năm khởi đầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.
Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên đã có tác động lớn đến kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư sáu tháng đầu năm 2012 của các bộ, cơ quan, địa phương.
Tỷ lệ giải ngân quá thấp
Tuy xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình (nhất là đối với vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, vốn chương trình mục tiêu quốc gia) bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả, theo đúng quy định, nhưng kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư năm 2012 của Bộ Tài chính cho thấy, đến ngày 15-7, tỷ lệ giải ngân vốn NSNN tại các bộ, cơ quan T.Ư đạt 41% kế hoạch, tại các địa phương đạt 40%. Đối với nguồn vốn TPCP, tỷ lệ giải ngân của các cơ quan T.Ư đạt 30%, khối các địa phương đạt 35,8%, thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm 2011.
Tại Hội nghị triển khai và thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ trong công tác quản lý vốn đầu tư năm 2012, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm, ngành đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện, tập trung vào các biện pháp chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tăng cường công tác quản lý, bảo đảm việc giải ngân đúng đối tượng, hiệu quả, theo đúng quy định. Tuy vậy, kết quả giải ngân vẫn ở mức thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó, ngoài nguyên nhân từ đặc thù của công tác giao và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư năm 2012 (như: việc giao vốn, triển khai phân bổ vốn chậm hơn nhiều so với các năm trước; nhiều dự án tuy đã được giao vốn nhưng chưa được thực hiện và thanh toán ngay; chưa có hướng dẫn cụ thể về thực hiện và thanh toán đối với các dự án có điều chỉnh…), sáu tháng đầu năm cũng là thời gian mà các chủ đầu tư tập trung hoàn thành giải ngân nốt kế hoạch năm 2011 và hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng… dẫn tới khối lượng thanh toán còn thấp.
Lãnh đạo nhiều bộ, ngành và địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng một số địa phương còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chậm triển khai công tác thẩm định nguồn vốn, phê duyệt quyết định đầu tư và tổng dự toán… cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên. Vốn TPCP tháng 4, 5, 6 mới được giao xong và còn gần 300 tỷ đồng chưa được giao, một số các dự án còn có nội dung cần điều chỉnh. Việc rà soát mất khá nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện vì chủ đầu tư cũng thận trọng, chờ làm việc các bên có quyết định mới làm… Đó là những lý do mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) mới chỉ giải ngân được cho 34 dự án, ngoài ra có năm dự án được xác định dừng hẳn.
Tại các tỉnh Phú Thọ, Nam Định, lãnh đạo tỉnh cho biết vẫn còn một số chủ đầu tư lúng túng trong việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn, trong việc thực hiện mức tạm ứng tối đa theo các quy định mới…, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, từ đó làm chậm tiến độ thực hiện các dự án, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư. Thêm vào đó, chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát, thiết kế, dự toán thấp dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án; năng lực tài chính của nhà thầu đang rất khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của nhiều dự án – là những nguyên nhân được đại diện các bộ: Tài chính, Xây dựng, NN và PTNT và các địa phương xác định là những nguyên nhân cơ bản.
Công khai số lượng giải ngân
Để đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch và tăng cường quản lý vốn đầu tư trong các tháng còn lại của năm kế hoạch 2012, với nhiệm vụ chủ trì phối hợp các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư, ngành tài chính tiếp tục khẳng định và đề xuất hệ thống các giải pháp cơ bản. Theo đó, về cơ chế, chính sách, việc ban hành các văn bản về cơ chế tự chủ tài chính cho các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; về quản lý, thanh toán, quyết toán, cơ chế giải ngân vốn đầu tư… sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, bên cạnh việc tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác quản lý và phối hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để xử lý các vướng mắc trong phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư; trong việc hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thanh toán vốn TPCP… ngành tài chính khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện công khai số liệu giải ngân. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Đây là giải pháp cần thiết để giúp các bộ, ngành và địa phương thấy được mức độ giải ngân của đơn vị mình, từ đó tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư năm 2012.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Kho bạc Nhà nước (KBNN) quản lý kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Bộ cũng sẽ xem xét, giải quyết kịp thời báo cáo ngay những vấn đề vượt quá thẩm quyền để thực hiện tốt công tác thanh toán theo đúng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”.
Xử lý nghiêm khắc, dứt điểm
Để giải quyết tận gốc các vướng mắc, phát sinh đối với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề xuất: Ngoài việc khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các vướng mắc, hạn chế trong phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2012 việc kịp thời báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền, phối hợp để xử lý các vướng mắc trong phân bổ, thực hiện, kiểm soát, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư… cần được các bộ, ngành, địa phương chủ động và tích cực thực hiện hơn nữa. Việc tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư, xử lý ngay các vướng mắc, khắc phục tình trạng chậm chễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư và thủ tục đấu thầu, chỉ đạo quyết liệt các thủ tục thu hồi tạm ứng hoàn trả vốn NSNN, định kỳ tổ chức giao ban, kiểm điểm về tình hình thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư… cần phải được tiến hành song song với việc cần có các biện pháp, chế tài xử lý nếu các chủ đầu tư không thực hiện hết kế hoạch vốn đã được giao.
Lãnh đạo KBNN khẳng định: KBNN không lo nhiều về tỷ lệ mà việc đề ra và thực hiện được chế tài cho giải ngân mới là quan trọng nhất, bởi việc thu hồi vốn tạm ứng cho chủ đầu tư là rất quan trọng. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, đối với các dự án phân bổ không đúng quy định, Bộ sẽ chỉ đạo KBNN không giải ngân, nếu đã giải ngân thì thực hiện thu hồi; tăng cường chỉ đạo công tác quyết toán vốn đầu tư bao gồm quyết toán niên độ ngân sách hằng năm và quyết toán dự án hoàn thành.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ riêng ngành tài chính, mà các bộ, ngành, địa phương trong cả nước phải chung sức cùng với Chính phủ tích cực áp dụng các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hấp thụ các nguồn vốn vay, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn. Đây cũng là cam kết của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc, đàm phán với bà Pa-me-la Cốc-xơ, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á – Thái Bình Dương mới đây cũng như trong các cuộc tiếp xúc, đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế về tài trợ vốn vay nước ngoài cho các dự án đầu tư phát triển trong nước. Vay vốn trong nước cũng như từ nước ngoài đã khó, nhưng việc giải ngân có hiệu quả các nguồn vốn vay mới thật sự là bài toán cần có đáp số đúng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()