Đẩy mạnh giải ngân vốn cho các công trình trọng điểm
Tại một số công trình trọng điểm quốc gia, các nhà thầu đang nỗ lực bám sát tiến độ theo kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, thực tế các công trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc đấu thầu, phê duyệt dự toán, thanh quyết toán... Nếu giải quyết được các vấn đề này, chắc chắn tiến độ sẽ bảo đảm, nâng cao hiệu quả của dự án và phù hợp với chủ trương của Chính phủ về giải ngân nhanh nguồn vốn ngân sách.
Nỗ lực bảo đảm tiến độ
Có mặt tại công trình Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 những ngày giữa tháng 8, chúng tôi cảm nhận “sức nóng” đang ngày càng gia tăng. Hệ thống hạ tầng về xây dựng như: mặt bằng, móng, hệ thống tường bao,… đã cơ bản hoàn thành. Vừa qua, Công ty CP Lilama 18 thuộc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã lắp đặt cột thép đầu tiên của lò hơi số 1, đánh dấu bước chuyển quan trọng cũng như “đường găng” tiến độ lắp đặt, hoàn thành nhà máy. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu, các công việc tiếp theo còn hết sức nặng nề, đòi hỏi nhiều công sức và kỳ vọng hơn.
Giám đốc Ban điều hành dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 Khuất Văn Thủy cho biết, hệ thống kết cấu thép lò hơi số 1 có tổng khối lượng khoảng 22 nghìn tấn. Việc lắp đặt thành công những cột dầm thép đầu tiên vừa qua mặc dù hơi muộn so với tiến độ trước đây, nhưng đã cho thấy nỗ lực vượt bậc của toàn đơn vị trên công trường. Dự kiến, kết cấu lò hơi số 1 sẽ hoàn thành lắp đặt vào tháng 1-2017. Hiện nay, các đơn vị trên công trường huy động khoảng 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân và đợt cao điểm bắt đầu từ cuối năm nay sẽ huy động tới 3.000 người. Đây là dự án được Chính phủ rất quan tâm và kỳ vọng, nhằm nâng cao khả năng nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện theo Quyết định 1791/QĐ-TTg và các đơn vị thành viên của Lilama đã sẵn sàng cho công việc này, trong đó đảm nhiệm chế tạo, lắp đặt một loạt hệ thống như: Hệ thống làm mát tuần hoàn, lọc bụi tĩnh điện cho ống khói nhà máy, bãi thải tro xỉ…, cùng các đơn vị trong nước phấn đấu nâng tỷ lệ nội địa hóa về giá trị tương đương 9.000 tỷ đồng, trong tổng giá trị EPC ước tính hơn 32 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá về các khó khăn, Giám đốc Khuất Văn Thủy cho rằng, hệ thống định mức, tiêu chuẩn liên quan đến nhà máy nhiệt điện hiện còn thiếu, dẫn đến chưa xây dựng được mức chuẩn để làm thanh toán. Để đẩy nhanh tiến độ, dự án cần thực hiện cơ chế mới, làm đến đâu thanh toán đến đấy (thực thanh thực thu). Điều này sẽ giúp tránh phải đội vốn lớn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều “trói buộc”, quy trình phê duyệt dự toán các gói thầu còn chậm, phải trình qua nhiều cấp, công tác đấu thầu các gói thầu, nhất là các gói thầu nhỏ liên quan đến nội địa hóa thiết bị còn nhiều quy định chồng chéo, rườm rà, ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Chẳng hạn như gói thầu xây dựng nhà điều hành, chủ đầu tư phê duyệt từ thiết kế đến thi công xây dựng và đã hoàn thành từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán. Hoặc trước đây, Tổng thầu EPC có thể chủ động “chạy trước” các phần việc trong lúc đợi thiết bị khác về để tổ hợp, lắp đặt, nhưng nay các phần việc đều phải tính toán kỹ và có sự tham gia của chủ đầu tư cùng các quy trình phức tạp, khiến thời gian chờ đợi kéo dài, nhất là khi có các thay đổi trong quá trình thi công xây dựng dự án.
Đơn giản hóa quy trình thanh quyết toán
Thực tế tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, nếu có thêm những cơ chế tháo gỡ, nhất là trong đấu thầu và thanh quyết toán, chắc chắn tiến độ sẽ bảo đảm. Cùng chung nhận xét, Giám đốc công trường Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) Nguyễn Anh Tuấn của nhà thầu Lilama cũng cho rằng, công tác thực thanh thực thu như hiện nay khiến khả năng đẩy nhanh tiến độ là rất khó vì công việc không thể “bắt vòng” như trước đây. Hiện nay, công tác thu xếp vốn cho Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 đang gặp một số khó khăn khi khả năng tìm kiếm nguồn vốn từ đối tác Liên bang Nga còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả công trình. “Trình độ, năng lực của các đơn vị trên công trường có thể đáp ứng tốt tiến độ, chất lượng, nhưng thực tế nhiều khi công trường lúc làm hùng hục, lúc thì thảnh thơi, anh Tuấn tâm sự.
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Lilama làm Tổng thầu EPC, hai bên đã thành công tại nhiều dự án trọng điểm, như Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1,… Đây cũng là mô hình được Chính phủ ủng hộ và hỗ trợ nhằm tạo ra những doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực lắp đặt trọn gói, vận hành các nhà máy nhiệt điện, hướng tới cạnh tranh với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu về nguồn điện đầu mối, hình thành các trung tâm điện lực, trong đó có nhiệt điện còn rất lớn. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước như PVN và Lilama có thể tham gia sâu hơn nữa, tạo thêm những giá trị thặng dư cho phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, cùng với các chính sách hỗ trợ từ vĩ mô, các doanh nghiệp cũng phải chủ động hoạch định các chính sách phù hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Bên cạnh việc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ngân sách trên các công trình trọng điểm, một trong những vướng mắc cần được nhanh chóng giải quyết là xây dựng bộ quy chuẩn định mức kỹ thuật, nhất là liên quan đến xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Điều này vô hình trung cũng ảnh hưởng đến công tác thanh quyết toán đối với các dự án. Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ cơ bản xây dựng xong các bộ chỉ số về định mức kỹ thuật của ngành xây dựng, trong đó có các quy chuẩn đối với các nhà máy nhiệt điện. Điều này sẽ giúp các đơn vị thi công có cơ sở xây dựng các định mức, đơn giá xây dựng phù hợp, tăng cường khả năng đáp ứng tiến độ, sớm đưa các công trình vào vận hành, nâng cao hiệu quả của các dự án.
Theo Nhandan
Ý kiến ()