Đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp
Các chính sách đầu tư cho lâm nghiệp thời gian qua đã góp phần quản lý, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, hình thành được vùng nguyên liệu gỗ tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong nhóm các ngành hàng nông sản hiện nay…
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tổng nguồn vốn huy động để đầu tư, phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt khoảng hơn 50 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt hơn 8.700 tỷ đồng; vốn ODA và các nguồn khác đạt gần 41.500 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, Nhà nước cấp hơn 38.600 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho gần 91.900 hộ nghèo tham gia bảo vệ khoảng 1,3 triệu ha rừng và trồng mới, chăm sóc 21.660 ha rừng tại các tỉnh khó khăn: Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An.
Thực hiện các chính sách đầu tư về lâm nghiệp, thời gian qua diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt, chất lượng rừng từng bước được cải thiện, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã có trữ lượng từ trung bình đến giàu; diện tích rừng trồng là sản xuất tiếp tục được phát triển, trữ lượng cao, đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, từng bước gắn với công nghiệp chế biến gỗ…
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng, miễn giảm tiền thuê đất trồng rừng, hiện đã có nhiều địa phương xây dựng được các vùng nguyên liệu lâm sản tập trung ổn định, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến. Điển hình như tỉnh Bình Định, đã trở thành một trung tâm chế biến lâm sản lớn của cả nước. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 240 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có hơn 53% số doanh nghiệp chế biến đồ gỗ nội ngoại thất. Các sản phẩm chế biến gỗ của Bình Định đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có tới hơn 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản, nguồn gốc lâm sản đưa vào kinh doanh, chế biến chủ yếu là gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu…
Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn, cùng với việc đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực lâm nghiệp, các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh cơ chế, chính sách về lâm sản phụ, bởi theo đánh giá, lâm sản phụ cho giá trị lớn gấp 3, gấp 4 lần cây gỗ, nhất là sản phẩm dược liệu. Hiện, thị trường các sản phẩm dược liệu đang rất tiềm năng, cần đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị của các loài dược liệu. Ngành lâm nghiệp đã đặt mục tiêu trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao chất lượng rừng, phát triển các liên kết theo chuỗi để nâng cao chuỗi giá trị trồng, chăm sóc rừng và chế biến gỗ.
Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho ngành lâm nghiệp, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững như: hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho công tác trồng rừng sản xuất nhất là đầu tư cho công tác trồng rừng sản xuất gỗ lớn; hỗ trợ nghiên cứu, gây trồng các loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị dưới tán rừng; hỗ trợ chế biến, tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ, giúp người dân gần rừng có thêm nguồn thu nhập từ rừng, giảm thiểu tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất gỗ lớn để người trồng rừng yên tâm đầu tư.
Chính sách đầu tư về lâm nghiệp trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực đã góp phần nâng độ che phủ rừng từ 40,84% lên 41,89% năm 2019, năm 2020 phấn đấu độ che phủ rừng sẽ đạt 42%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân khoảng 5,73%/năm, năm 2020 dự kiến tăng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 11,2 tỷ USD năm 2019, dự kiến năm 2020 đạt 12 tỷ USD. Về trồng rừng tập trung được 1,133 triệu ha, bình quân 227.000 ha/năm; 284,2 triệu cây phân tán, trung bình 57 triệu cây/năm, khoanh nuôi tái sinh bình quân 287.000 ha/năm…
(Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN và PTNT)
Ý kiến ()