Đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực VHTTDL đáp ứng thời kỳ mới
Trong thời kỳ chuyển đổi số, công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, thể thao cần đổi mới phương thức giảng dạy, nâng cấp trang thiết bị giảng dạy, phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho sinh viên.
Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có 26 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, 2 viện nghiên cứu tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch.
Với sứ mệnh đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, thể thao và gia đình, trong những năm qua công tác đào tạo những lĩnh vực này đã có những bước phát triển, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo.
Hiện nay, quy mô đào tạo ngành VHTTDL là 32.734 học sinh, sinh viên. Trong đó, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật 18.581 sinh viên, thể dục thể thao là 3.843 sinh viên, du lịch 10.210 học sinh sinh viên. Năm 2023 tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp của các cơ sở đào tạo là 7.841 người, trong đó lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chiếm 83,75%, thể dục thể thao là 97,51% và du lịch là 85,60%.
Nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ đáp ứng tốt yêu cầu, bối cảnh tình hình mới, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm đào tạo bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…
Tại Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 phục vụ công tác tuyển sinh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật thể dục thể thao và du lịch vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương khẳng định: Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đã từng bước góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt về nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch…
Hiện nay đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà giáo của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTT&DL có 2.884 người, trong đó tỉ lệ giảng viên có trình độ sau đạt học đạt hơn 60%, trình độ tiến sĩ đạt xấp xỉ 40%. Với thế mạnh đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm và có nhiều thành tựu, đặc biệt có sự tham gia giảng dạy của các nghệ nhân, NSND, NSƯT, các vận động viên, huấn luyện viên có thành tích xuất sắc trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn 2018-2023, tổng số học sinh, sinh viên đạt giải tại cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ tại các cuộc thi với hơn 840 giải thưởng về văn hóa nghệ thuật, trong đó giải thưởng trong nước là 355, giải thưởng nước ngoài là 175; lĩnh vực thể dục thể thao, trong nước là 17 giải thưởng, quốc tế là 239 giải thưởng; lĩnh vực du lịch, trong nước là 56 giải thưởng. Đây là kết quả của sự đổi mới, sáng tạo trong đào tạo các ngành nghề văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch ở các cơ sở đào tạo, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của việc làm, nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội.
100% các cơ sở đào tạo có liên kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để cùng thiết kế chương trình đào tạo, cử chuyên gia tham gia giảng dạy cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị dạy học tạo điều kiện cho học sinh sinh viên thực tập, tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên. Từ đó, số lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm tăng lên, của khối văn hóa nghệ thuật là 93,63%, thể dục thể thao là 75,15%, du lịch là 91,37%.
PGS.TS Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh chia sẻ, chương trình đào tạo của trường không ngừng được đổi mới, cung cấp cho các em kiến thức, kinh nghiệm để làm nghề, tạo cơ hội cho các em những kỹ năng sau tốt nghiệp có thể tiếp cận ngay với công việc. Có kết nối mối liên hệ chặt chẽ với các Nhà hát, Đài truyền hình, công ty truyền thông ngay từ trên ghế nhà trường để các em được tiếp cận với các nhà tuyển dụng, có cơ hội làm việc thử tại các nhà hát, trường quay...
TS. NSND Đỗ Quốc Hưng – Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết với 70 năm hình thành và phát triển, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đào tạo chuyên sâu các ngành nghề âm nhạc gồm nhiều các khoa: Piano, Dây, Thanh nhạc, Kèn, Gõ, Giao hưởng, Jazz, Lý luận, Sáng tác chỉ huy, nhạc cụ truyền thống... Sinh viên sau khi tốt nghiệp gần như 100% có việc làm hoặc tự mở công ty riêng. Học viện cũng đang tham gia Đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030 theo quyết định 1341/QĐ-TTG ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đây là cơ hội tốt đào tạo tài năng âm nhạc, trong đó người học sẽ được học bổng toàn phần, đào tào chuyên sâu, nâng cao, có 3 tuần được làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, giáo viên được hưởng đãi ngộ cao…
Dành lời khuyên đối với học sinh, sinh viên chuẩn bị hành trang ra trường tiếp cận với công việc, thầy Bùi Tất Hiếu –Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, các em cần chuẩn bị về kiến thức, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thật kỹ; đơn cử đối với lĩnh vực du lịch phải nắm vững cả lịch sử văn hóa, địa lý, maketting du lịch, tổng quan du lịch, quản trị dịch vụ lữ hành, tùy đặc thù chuyên ngành khác nhau để trang bị, kỹ năng nghề nghiệp cho mình như thuyết trình, quản lý đoàn lãnh đạo, giải quyết những tình huống phát sinh, kỹ năng đàm phán. Trong thời đại công nghệ 4.0, cần đặc biệt trang bị cho mình kiến thức về công nghệ, chuyển đổi số, ngoại ngữ; trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, thái độ.
Ông Đặng Xuân Thanh, Trưởng phòng quản lý đào tạo Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc cho biết, Công ty đã kết hợp với Trường Đại học Văn hoá Hà Nội thực hiện dự án "Vườn ươm tài năng Văn hoá du lịch".. Trong dự án này, Công ty đã phối hợp với nhà trường để đưa ra nhiều điểm mới như: nâng số lượng chuyên đề đào tạo lên tới 20 chuyên đề; kết nối giữa doanh nghiệp với trường để xây dựng hệ thống thông tin về ngân hàng cơ hội việc làm dành cho các thí sinh tham gia dự án đó; tổ chức Hội thảo quốc tế trong chuỗi các hoạt động dự án; thực hiện chương trình về đại sứ văn hoá du lịch tại Tràng An;...
Ý kiến ()