Đẩy mạnh công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ
Nông dân Văn Lãng thu hoạch quả hồng Vành khuyên |
Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có gần 20 tổ chức, cá nhân được tư vấn làm thủ tục đăng ký quyền SHTT. Riêng 10 tháng đầu năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tư vấn đăng ký cho 14 tổ chức, cá nhân được 2 sáng chế, 1 kiểu dáng công nghiệp và 29 nhãn hiệu. Bên cạnh việc tư vấn, Sở KH&CN còn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký, quản lý và bảo vệ quyền SHTT trong sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (hồi Lạng Sơn, hồng Bảo Lâm); 1 nhãn hiệu chứng nhận (na Chi Lăng), 2 nhãn hiệu tập thể (rượu Mẫu Sơn, hồng Vành khuyên Văn Lãng). Hiện tại, sở tiếp tục tư vấn, hướng dẫn đối với một số sản phẩm, trong đó có quýt Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định để đăng ký nhãn hiệu tập thể; thực hiện dự án xây dựng quản lý nhãn hiệu tập thể rượu Mẫu Sơn.
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Tư vấn, xác lập SHTT là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Càng nhiều sản phẩm được bảo hộ thì danh tiếng, uy tín của sản phẩm vùng, địa phương trong tỉnh càng giá trị hơn. Những năm gần đây, sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đồng thời tích cực tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp… chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về SHTT; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về SHTT…
Những năm gần đây, các sản phẩm của Lạng Sơn sau khi được bảo hộ đã được nâng cao giá trị, danh tiếng và có sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 doanh nghiệp kinh doanh hồi được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; na Chi Lăng được hệ thống siêu thị Fivimart bao tiêu sản phẩm, hồng Vành khuyên Văn Lãng, hồng không hạt Bảo Lâm được bán tại các chợ công nghệ thiết bị Hà Nội, rượu Mẫu Sơn xuất hiện và có bán rộng rãi trên thị trường trong nước…
Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ KH&CN cho biết: Lạng Sơn là địa phương thực hiện khá tốt công tác xác lập quyền SHTT. Cách làm của tỉnh là không đăng ký dàn trải nhiều sản phẩm để được bảo hộ mà thực hiện theo cách “làm đến đâu chắc đến đó”. Tỉnh cũng quản lý quyền SHTT khá tốt đối với các sản phẩm được bảo hộ. Hơn nữa, tỉnh rất quan tâm thực hiện công tác này nhất là đối với những sản phẩm đặc sản của địa phương. Đơn cử năm 2016, hồng Vành khuyên Văn Lãng là 1 trong những đặc sản được cấp đăng bạ bảo hộ nhanh so với các sản phẩm khác.
Công tác xác lập SHTT được đẩy mạnh nên hiện nay nhiều doanh nghiệp, chính quyền trong tỉnh có sản phẩm đặc thù, nhiều hộ cá thể cũng đã nhận thức được sự cần thiết phải thực hiện tốt quyền SHTT sản phẩm, hàng hóa của mình và địa phương mình… Ông Đinh Long Xuyên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng khẳng định: Ngay khi hồng Vành khuyên được cấp đăng bạ bảo hộ nhãn hiệu tập thể, giá bán hồng trên thị trường năm 2016 cao hơn các năm trước từ 5-7 nghìn đồng/kg. Hơn thế, người trồng có ý thức hơn trong việc thâm canh, phát triển diện tích và duy trì chất lượng quả hồng.
Ý kiến ()