Đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Nông nghiệp
Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo "Điều phối công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn".
|
Hội thảo “Điều phối công tác ứng phó với biến đổi khí hậu |
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, trong 8 tháng năm 2015, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp đã được triển khai trên nhiều phương diện. Trong đó, công tác triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang được tích cực triển khai với trọng tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào giải pháp thích ứng và giảm thiểu theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, năng lượng,…), hạn chế phát thải trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; hạn chế phát thải do mất rừng và suy thoái rừng, tăng cường hấp thu các-bon trong lâm nghiệp. Đồng thời, trong những tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT đã tiến hành nghiệm thu nhiều đề tài quan trọng liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu như: Xây dựng mô hình thu gom, xử lý phế phụ phẩm trồng trọt nhằm giảm phát thải khí nhà kính nông thôn ở Đồng bằng sông Hồng; xây dựng mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước,…
Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vùng nằm trong nhóm 5 châu thổ có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu, các đề tài khoa học – công nghệ đang được tiếp tục thực hiện gồm: Cung cấp kỹ thuật và kiến thức về sử dụng đất thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân và các cơ quan quản lý để cải thiện an ninh lương thực ở ĐBSCL; tạo giống lúa chịu hạn bằng phương pháp dấu chuẩn phân tử; nghiên cứu chọn tạo giống lúa cực ngắn và ngắn ngày cho vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, đến nay, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn nhân lực cho biến đổi khí hậu còn thiếu và yếu; năng lực tổ chức, các thể chế về biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu; hạn chế trong công tác điều phối biến đổi khí hậu của ngành. Đồng thời, việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; cán bộ khoa học trình độ cao về biến đổi khí hậu còn ít…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra những ý kiến thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Nông nghiệp. Trong đó, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thành trong năm 2015 các dự án Quy hoạch lũ vùng ĐBSCL; rà soát quy hoạch đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục nghiên cứu đề tài khoa học làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở, gây bồi và tái tạo rừng ngập mặn bảo vệ đê biển; tăng cường trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành cần tiếp tục củng cố tầm nhìn chiến lược mang tính định hướng, đồng thời thực hiện song song với các công tác củng cố hệ thống luật pháp, phối hợp liên ngành; tăng cường các chính sách thúc đẩy khu vực cộng đồng, người dân cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các kịch bản và lựa chọn kịch bản phù hợp. Mặt khác, cần chú trọng đến công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()