Đẩy mạnh công tác phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh
(LSO) – Thực hiện quy chế phối hợp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) góp phần giữ màu xanh cho các cánh rừng vùng giáp ranh.
Khu vực giáp ranh của 3 tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn có địa giới hành chính tiếp giáp hơn 250 km, gồm 13 huyện và 53 xã với địa hình chủ yếu là đồi núi cao, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng còn rất hạn chế nên khu vực giáp ranh thường tiềm ẩn các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Từ thực trạng đó, các huyện vùng giáp ranh đã xây dựng quy chế phối hợp cụ thể về công tác bảo vệ, PCCCR hằng năm căn cứ trên tình hình thực tế từng địa bàn.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Bình Gia phối hợp với dân quân tự vệ và người dân xã Thiện Hòa tuần tra, bảo vệ rừng giáp ranh
Ông Cao Xuân Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng giáp ranh, hằng năm đơn vị chủ động xây dựng chương trình công tác, kế hoạch cụ thể để thực hiện quy chế phối hợp, tập trung quản lý chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên hiện có; xác định vùng trọng điểm để xử lý kịp thời không để xảy ra điểm nóng, tụ điểm phức tạp. Đồng thời, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chính quyền cơ sở quản lý chặt chẽ không để người dân tự do cư trú trong rừng, dựng lán trại để khai thác lâm sản trái phép; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng với UBND xã; theo dõi, thống kê, nắm bắt các đối tượng thường xuyên có hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Tìm hiểu được biết, trong công tác phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh lực lượng kiểm lâm luôn là nòng cốt thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: tuyên truyền phổ biến pháp luật; vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm qua thư điện tử, điện thoại, hội nghị cụm an ninh liên hoàn giáp ranh; triển khai các văn bản luật mới của Trung ương…
Thời gian qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các đơn vị, đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân cũng từng bước được nâng cao. Anh Dương Văn Chín, thôn Kéo Mười, xã Tân Yên, huyện Tràng Định cho biết: Trước đây, bà con trong thôn tôi thường hay phát rừng, đốt rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, nhờ được nghe tuyên truyền, tham gia các lớp tập huấn về bảo vệ rừng và PCCCR cùng với việc nhận thấy hiệu quả kinh tế từ rừng, chúng tôi đã ý thức được việc quản lý, bảo vệ rừng là rất quan trọng với đời sống người dân cũng như môi trường xung quanh.
Thông qua công tác phối hợp, hiện nay các khu rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh không xảy ra điểm nóng, không xảy ra cháy rừng, tình trạng vi phạm luật lâm nghiệp cơ bản được ngăn chặn đáng kể. Tình trạng phá rừng, khai thác trái phép rừng tự nhiên đã được hạn chế; nhiều vụ vi phạm được lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Theo đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Võ Nhai (Thái Nguyên) kiểm tra, truy quét 3 lần, chủ động tuần rừng tại các xã giáp ranh 15 lần. Kết quả lập biên bản 4 vụ, phạt tiền gần 23 triệu đồng; tịch thu 3,669 m3 gỗ và 3.615 kg thực vật rừng ngoài gỗ; Hạt Kiểm lâm Bình Gia phối hợp với hạt kiểm lâm giáp ranh phát hiện và lập biên bản 7 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 5 vụ; tịch thu 2,566 m3 gỗ các loại…
Ông Lưu Minh Giang, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh tỉnh Lạng Sơn có 4 huyện giáp ranh bao gồm: Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định, Hữu Lũng. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm các huyện giáp ranh đã có sự phối hợp rất tốt trong việc thông tin về những vụ việc vi phạm khu vực giáp ranh; trao đổi kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc phức tạp…Tuy nhiên, việc nắm bắt thông tin về tình hình quản lý rừng còn hạn chế như việc thống kê các đối tượng đầu nậu khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản; các hoạt động tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, hạt kiểm lâm các huyện khu vực giáp ranh của tỉnh ta sẽ tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và gửi cho hạt kiểm lâm khu vực giáp ranh của tỉnh bạn để cùng nắm thông tin và phối hợp thực hiện. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân; tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát trong và ngoài rừng…để đảm bảo vùng rừng giáp ranh được bảo vệ và phát triển bền vững.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()