LSO-Chúng ta đều biết, cán bộ, đảng viên là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, cho Nhà nước hiểu rõ để điều chỉnh chính sách cho đúng. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đều do cán bộ, đảng viên nghiên cứu đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống là yếu tố có ý nghĩa nền tảng, căn bản, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “đạo đức là nền tảng của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên, cũng như gốc...
LSO-Chúng ta đều biết, cán bộ, đảng viên là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, cho Nhà nước hiểu rõ để điều chỉnh chính sách cho đúng. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đều do cán bộ, đảng viên nghiên cứu đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống là yếu tố có ý nghĩa nền tảng, căn bản, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “đạo đức là nền tảng của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên, cũng như gốc của cây, nguồn của sông”. Người khẳng định: “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém và cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã quán triệt tư tưởng của Người vào xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng bộ máy đảng, chính quyền các cấp, đã thu được những kết quả quan trọng, tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn bộc lộ hạn chế, yếu kém, cần phải khắc phục. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay” chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”, đồng thời Nghị quyết chỉ rõ những hạn chế, yếu kém đó do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn hình thức, chưa đủ sức động viên và nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên…Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao.
Lớp cán bộ đối tượng 5 nghiên cứu, học tập kiến thức quốc phòng – an ninh – Ảnh: Thế Bảo
Nghị quyết xác định rõ vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất hiện nay cần tiến hành là: “Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng”. Nghị quyết đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được đề cao, yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh quán triệt thực hiện.
Để quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XI, Ngày 24-02-2012, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 15-CT/TW và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 20 – KH/TU, ngày 05 tháng 4 năm 2012 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và cách tổ chức thực hiện nghị quyết. Việc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Trong quán triệt thực hiện tập trung vào một số nội dung quan trọng sau:
Một là, cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên về sự nguy hiểm của những suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XI chỉ rõ những hậu quả, nếu chậm khắc phục sẽ làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đồng thời chủ động bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng sẽ lôi cuốn, tập hợp được đông đảo lực lượng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực và hiệu quả. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên các cấp. Cấp uỷ, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức, cơ quan, đoàn thể, đơn vị. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; chương trình tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Chú trọng lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm; đề cao tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Ba là, đề cao ý thức trách nhiệm, tự giác tu dưỡng, học tập, rèn luyện, xây dựng phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn có nhiều cán bộ, Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ tự học tập. Đảng đã giúp, cán bộ phải chịu học. Do vậy việc cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện đào tạo bồi dưỡng không chỉ là sự thể hiện yêu cầu của cán bộ với công việc, mà cán bộ phải thấy được học tập, tự học tập là nhu cầu của bản thân. Có như vậy mới nâng cao được trình độ, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức đảng, pháp luật của nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân.
Bốn là, làm tốt việc nêu gương người tốt, việc tốt, lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức lối sống. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”,“ tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân. Luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Nông Văn Thảm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn
Ý kiến ()