Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp
(LSO) – Những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì việc ứng dụng máy móc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được nông dân trên địa bàn tỉnh chú trọng. Qua đó, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Văn Quan là một trong những huyện tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có trên 8.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 3.000 ha đất trồng lúa, hầu hết các hộ dân ở đây đều đã chủ động đầu tư máy móc từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch nông sản. Vì thế, vào mùa vụ làm lúa hay trồng ngô, trên khắp các cánh đồng của huyện xuất hiện ngày càng nhiều các loại máy móc với mẫu mã đa dạng.
Ông Nông Văn Tùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Việc canh tác theo kiểu truyền thống ở huyện Văn Quan hầu như không còn, thay vào đó, người dân đã biết đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là đối với khâu làm đất. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa của huyện đạt khoảng 90%, toàn huyện có trên 7.500 máy cày, 1.900 máy phát cỏ, ngoài ra còn có máy gặt, máy thu hoạch nông sản. Việc sử dụng các loại máy móc góp phần bảo đảm gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ, giải phóng sức lao động cho nông dân.
Người dân xã Tân Liên, huyện Cao Lộc sử dụng máy cày, máy bừa trong khâu làm đất
Đơn cử như gia đình ông Hoàng Văn An, xã An Sơn, huyện Văn Quan có hơn một mẫu ruộng. Nếu như trước đây, khi còn dùng sức kéo của con trâu, ông phải mất khoảng 10 ngày để cày, bừa rồi mới được cấy. Đến năm 2015, gia đình ông An đã mạnh dạn đầu tư hơn 15 triệu đồng để mua máy cày, máy bừa, nhờ đó, thời gian đã được rút ngắn đi rất nhiều. Ông An cho biết: Từ khi mua máy, tôi chỉ cần 3 ngày là đã cày, bừa xong để cấy cho kịp thời vụ. Đến khi thu hoạch, tôi lại thuê máy gặt đập liên hoàn, chỉ trong vòng 50 phút đã xong hơn một mẫu ruộng, chứ không phải mất hơn chục ngày để gặt tay nữa. Như vậy, tôi tiết kiệm được thời gian và sức lực rất nhiều.
Cùng với huyện Văn Quan, các huyện trong tỉnh cũng đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có trên 110 chiếc máy kéo công suất trên 35 mã lực; trên 15.100 chiếc máy kéo công suất dưới 35 mã lực; trên 21.300 động cơ diezen; trên 510 chiếc máy gieo hạt lúa, 825 chiếc máy gặt lúa rải hàng, trên 23.280 chiếc máy đập lúa, tuốt lúa; trên 19.600 chiếc máy phun thuốc trừ sâu có động cơ; trên 6.500 chiếc máy chế biến gỗ…
Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất cho lúa đạt trên 80%, tăng trên 14% so với năm 2014; tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cho cây ngô đạt trên trên 20%, thu hoạch tẽ, tách hạt ngô đạt trên 40%… Bên cạnh đó, một số huyện như: Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn đã chú trọng thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất cây ăn quả có múi như cam, bưởi, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới phun mưa. Trong chăn nuôi, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín, sử dụng hệ thống máng ăn, núm uống nước tự động như: mô hình nuôi gà của anh Dương Thế Anh (huyện Bắc Sơn), anh Vũ Viết Sơn (huyện Hữu Lũng)… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Đặng Văn Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, góp phần tăng năng suất trong sản xuất từ 2-3 lần so với lao động thủ công. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan tạo điều kiện cho nông dân vay vốn mua máy móc, đổi mới công nghệ với lãi suất thấp để từ đó, người dân sử dụng trong sản xuất, tăng năng suất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác và khắc phục tình trạng thiếu nhân công khi vào mùa vụ…
Ý kiến ()