Ðẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho trái cây
Phân loại thanh long trước khi đóng gói tại Doanh nghiệp tư nhân rau quả Bình Thuận.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 989 nghìn ha cây ăn quả; năng suất bình quân đạt hơn 10 tấn/ha, sản lượng quả đạt 9 triệu tấn/năm. Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương); nhãn (Hưng Yên, Sơn La, Tiền Giang, Vĩnh Long); mận Bắc Hà (Lào Cai); cam (Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hậu Giang); xoài (Sơn La, Khánh Hòa, Ðồng Nai, Ðồng Tháp, An Giang); bưởi (Hà Nội, Phú Thọ, Bến Tre, Vĩnh Long); thanh long (Bình Thuận, Long An, Tiền Giang); dứa (Ninh Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Kiên Giang); chôm chôm (Ðồng Nai, Bến Tre)…
Hiện nay, những mặt hàng quả tươi chủ lực của nước ta như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a… cho phép nhập khẩu. Ðến hết năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp mã số 452 vùng trồng cho quả tươi xuất khẩu vào thị trường khó tính với diện tích hơn 7.600 ha. Trong đó, có 210 ha thanh long với diện tích hơn 4.000 ha, sản lượng gần 100 tấn sang các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ác-hen-ti-na, Chi-lê…; chôm chôm 34 mã số với diện tích gần 350 ha; nhãn 61 mã số, diện tích hơn 864 ha; vải 32 mã số, diện tích 358 ha; xoài 84 mã số, diện tích hơn 1,6 nghìn ha; vú sữa 31 mã số, diện tích hơn 266 ha…
Việc mở cửa thị trường đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và công sức, nếu không đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thì nguy cơ đánh mất thị trường rất cao. Bởi các quốc gia đang có xu hướng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta đang thiếu những nghiên cứu và dự báo có chiều sâu, toàn diện về nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm cũng như các đối thủ cạnh tranh với hàng Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hoa, quả ở nước ta đều có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế và tổ chức xuất khẩu chưa hiệu quả. Có hiện tượng kinh doanh chụp giật, gian lận, cạnh tranh không lành mạnh và chưa gắn kết với người nông dân. Do vậy, sau khi đã thống nhất được về biện pháp kiểm dịch thực vật mở cửa thị trường, doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội để xuất khẩu hoa, quả hoặc không cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước khác. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp kinh doanh làm mất uy tín hàng nông sản dẫn đến làm mất thị trường mà rất khó khăn, mất nhiều chi phí mới mở cửa được. Bên cạnh đó vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ cùng có lợi giữa người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ sở nghiên cứu; công nghệ bảo quản và xử lý sau thu hoạch còn yếu.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, nhằm phát triển cây ăn quả bền vững và có sản phẩm tốt để xuất khẩu, các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng chiến lược mở cửa thị trường phù hợp, trong đó tập trung vào các thị trường lớn, có dịch vụ vận chuyển thuận lợi và các sản phẩm nước ta có lợi thế cạnh tranh như thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi, xoài… Ðồng thời, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu gắn với cấp mã số vùng trồng; tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng; giám sát việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm tại các vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu; ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, thúc đẩy ứng dụng biện pháp sinh học trong sản xuất; thực hiện tốt giám sát, quản lý các mã số vùng trồng đã được cấp bảo đảm tính bền vững của việc cấp mã số; nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản để có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu khoa học tạo sự chặt chẽ, hiệu quả và bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()