Đẩy mạnh cải thiện nước sạch, môi trường nông thôn
LSO-Lạng Sơn có điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Vấn đề đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường (NSVSMT) vẫn còn nhiều hạn chế, đây là nguyên nhân chính gây mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về mắt, ngoài da. Vì vậy, việc cải thiện NSVSMT là nhu cầu cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của mọi người, nhất là khu vực nông thôn.
Phát huy hiệu quả công trình nước sạch ở thôn Nà Pheo, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc |
TỪ THỰC TIỄN….
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có đến 20% dân số ở nông thôn thiếu nước sinh hoạt và chỉ khoảng 40% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, không ít trong số đó đang sử dụng nguồn nước trực tiếp mà không có bất cứ biện pháp xử lý. Theo ông Hoàng Văn Nhất, Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường: bên cạnh các yếu tố thiên tai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch một phần do cách sử dụng nước trong cộng đồng còn lãng phí, nhiều nơi người dân xem nước là nguồn tài nguyên vô tận, chưa thấy hết giá trị của việc thiếu hụt nguồn nước trong tình hình môi trường đang bị biến đổi, nguồn nước bị ô nhiễm. Thêm nữa là đời sống và nhận thức của người dân ở vùng nông thôn thấp, việc đầu tư xây dựng các công trình như bể chứa nước, lọc nước, khoan giếng là rất khó khăn. Trong khi các công trình cấp nước tập trung vẫn còn quá ít nên phạm vi phục vụ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn do chất thải từ sản xuất nông nghiệp và các nguồn phát sinh chất thải khác như: dư lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; chất thải trong chăn nuôi; rác, nước thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, sức khỏe của người dân và cộng đồng khu dân cư. Hiện trên địa bàn có khoảng 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom nhưng việc xử lý bảo đảm công nghệ, kỹ thuật còn rất ít (chỉ có ở thành phố, thị trấn). Vì thế, ở nông thôn, rác thải chủ yếu là tập kết, chôn lấp ở các bãi đất, qua thời gian dài sẽ gây ra các tác động tiêu cực tới môi trường. Công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế, đến nay tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt 34%; tỷ lệ hộ dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 24%…
… ĐẾN CÁC GIẢI PHÁP
Ông Hoàng Văn Hải, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: xuất phát từ thực tế và xác định NSVSMT là vấn đề vô cùng cấp bách, có tầm quan trọng đối với sự sống con người. Thời gian qua, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể đã chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường như: tổ chức cấp phát tờ rơi; phát động nhân dân tổ chức khơi thông cống rãnh, hố ga, ao tù nước đọng, phát quang bờ cây, bụi cỏ làm cho đường giao thông xanh, sạch, đẹp trên địa bàn khu dân cư, thi tìm hiểu Luật Bảo vệ môi trường… được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng.
Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia NSVSMT nông thôn, nhờ đó góp phần cải thiện điều kiện sống của bà con nông thôn. Cụ thể, năm 2014, kinh phí ngân sách dành cho chương trình này trên 31 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, chương trình ổn định dân cư biên giới; các chương trình của Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, ngân sách địa phương đầu tư cho NSVSMT nông thôn… Từ đó, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2014 đạt 82%. Trên tinh thần đảm bảo sức khỏe, cải thiện điều kiện sống của người dân, UBND tỉnh dự kiến năm 2015 đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình NSVSMT với tổng kinh phí trên 48 tỷ đồng, nâng số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 50%; 45% hộ dân có xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh; trạm y tế ở nông thôn có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh là 55%; số trường học mầm non, phổ thông ở nông thôn có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh là 78%.
Để hoàn thành được chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: áp dụng và phát triển công nghệ cấp nước tiên tiến với các quy mô khác nhau, từng bước hạn chế việc phát triển các công trình cấp nước phân tán nhỏ lẻ. Việc lựa chọn và phát triển các loại hình nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi phải dựa vào nhu cầu của cộng đồng và địa phương có sự tư vấn về kỹ thuật. Đi đôi với tích cực huy động các nguồn lực tại chỗ đầu tư xây dựng công trình cấp NSVSMT, thì công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề nước sạch cũng như ý thức bảo vệ, quản lý các công trình tiếp tục được quan tâm… Qua đó, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()