Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Việt Nam đang ra sức cải thiện thủ tục hành chính. Đây là một trong những nhân tố rất quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tế cho thấy, ngay từ đầu quá trình đổi mới, mở cửa nền kinh tế, việc cải cách nền hành chính nói chung, các thủ tục hành chính nói riêng đã được đặt ra và thực hiện, với nhiệm vụ cụ thể là phát hiện, loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà…; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung đẩy mạnh và quyết liệt hơn. Nhờ vậy mà môi trường kinh doanh đã có những cải thiện đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận. Liên tục trong năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết số 19/NQ-CP (đều cùng trong tháng 3/2014 và 3/2015) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với những chỉ tiêu và biện pháp rất cụ thể. Trong đó, đặc biệt là các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, đầu tư….
Những kết quả bước đầu
Qua một năm thực hiện, nghị quyết, bước đầu Việt Nam đã đạt được một số kết quả rất khích lệ. Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Thực hiện Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 thì sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (mức bình quân của các nước ASEAN-6 là 121 giờ/năm). Đã rà soát, đơn giản hóa quy trình thủ tục và chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế, phấn đấu đến hết năm 2015 thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10 – 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp.
Quy trình nộp bảo hiểm xã hội, thành lập, giải thể doanh nghiệp và tiếp cận điện năng đã được rút gọn. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp giảm 50%, trong đó thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp giảm từ 115 ngày xuống còn 70 ngày.
Theo Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10 năm 2014 của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu công bố tháng 9 năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam – Moody’s nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B lên BB- và đều đánh giá với triển vọng ổn định.
Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai theo yêu cầu; tác động của Nghị quyết vào thực tế sản xuất và đời sống vẫn còn chậm. Một số cam kết của các bộ, cơ quan, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh chậm được triển khai đến cấp cơ sở, doanh nghiệp. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mặc dù môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta có bước được cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn thấp.
Thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ… vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của ngành, địa phương. Hơn nữa, các nước cải thiện nhanh hơn nên Việt Nam lại tụt hạng một cách tương đối. Theo xếp hạng của báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2015 là 78/189, tụt 6 bậc so với năm 2014…
Và một số giải pháp
Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần tập trung thực hiện tốt các mục tiêu định lượng nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 03 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Tuy chỉ là những chỉ tiêu định lượng về cắt giảm số lượng các thủ tục hành chính và chi phí thời gian, nhưng hết sức quan trọng vì đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm thực hiện đổi mới mở cửa, công tác cải cách hành chính có được những chỉ tiêu mang tính cam kết rõ ràng theo cách so sánh với các nước ASEAN để thực hiện và có sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao và rất quyết liệt của Chính phủ.
Thực tế chỉ ra rằng, việc cải cách các thủ tục hành chính không phải quá phức tạp, khó khăn về chuyên môn nghiệp vụ; nhưng lại chuyển động rất chậm chạp nếu không có các biện pháp cần thiết. Vì vậy, giải pháp chính cho nội dung này là cần có kỷ luật hành chính trong việc tổ chức thực hiện.
Cùng với việc thực hiện các mục tiêu định lượng nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP, cần khắc phục cơ chế sinh ra những thủ tục hành chính của giai đoạn vừa qua. Nếu không chú ý thỏa đáng đến khía cạnh này, công cuộc cải cách thủ tục hành chính trở thành vô tận do cơ chế liên tục đẻ ra những thủ tục mới cần phải được cải cách. Một trong những ví dụ là quá trình tự sinh sôi của các loại “giấy phép con”. Và cũng tương tự như việc thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính nêu trên, giải pháp chính ở đây là kết hợp giữa những quy định pháp luật và có chế tài cần thiết để thực hiện.
Về dài hạn, cần chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang việc nâng cao chất lượng chính sách. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính sẽ trở nên ít nghĩa nếu chất lượng nội dung các chính sách không được cải thiện (thậm chí rơi vào cách làm theo kiểu phong trào). Đây là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và đòi hỏi phải có chương trình dài, kiên trì và thực chất là nội dung chính yếu của cải cách thể chế…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()