Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Mặc dù còn chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng tổng vốn thu hút FDI trong năm 2010 của Đồng Nai vẫn khá ấn tượng với hơn 1,28 tỷ USD, đạt 171% kế hoạch năm. Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2010 và những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai.Ban quản lý các KCN Đồng Nai là đơn vị quản lý nhà nước đầu tiên (trong hệ thống Ban quản lý các KCN) trên cả nước xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hành chính công theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, với cơ chế 'một cửa' trong lĩnh vực quản lý KCN từ năm 2003. Việc làm này đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư ngay từ khi tiến hành những thủ tục đầu tiên để triển khai dự án tại Đồng Nai. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đầu năm nay, Ban quản lý các KCN Đồng Nai mạnh dạn đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng...
|
Ban quản lý các KCN Đồng Nai là đơn vị quản lý nhà nước đầu tiên (trong hệ thống Ban quản lý các KCN) trên cả nước xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hành chính công theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, với cơ chế 'một cửa' trong lĩnh vực quản lý KCN từ năm 2003. Việc làm này đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư ngay từ khi tiến hành những thủ tục đầu tiên để triển khai dự án tại Đồng Nai. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đầu năm nay, Ban quản lý các KCN Đồng Nai mạnh dạn đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hành chính công theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, thay tiêu chuẩn ISO 9001:2000.
Năm 2009, thực hiện việc rà soát, thống kê các thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án 30 của Chính phủ và Kế hoạch số 713/KH-UBND ngày 30-1-2009 của UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý đã tiến hành rà soát theo danh mục thủ tục hành chính trên các lĩnh vực: lao động, đầu tư, môi trường…; theo đó, Ban Quản lý phải thực hiện 220 TTHC. Qua quá trình thực hiện, sắp xếp đã loại bỏ 138 TTHC không cần thiết để hướng đến xây dựng quy trình hành chính tinh gọn hơn, đến nay, Ban Quản lý chỉ còn thực hiện 82 TTHC.
Trưởng phòng Đầu tư, Ban quản lý các KCN Đồng Nai Ngô Thanh Quang cho biết: Từ kinh nghiệm áp dụng cải cách hành chính với cơ chế 'một cửa', Ban quản lý các KCN Đồng Nai đã nỗ lực cải cách hành chính theo cơ chế 'một cửa liên thông', và đã thật sự tạo được niềm tin của các nhà đầu tư khi đến liên hệ công tác. Mô hình này đáp ứng nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng và chính xác; giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Để cơ chế 'một cửa liên thông' ngày càng phát huy hiệu quả, Ban quản lý đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hành chính công theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào cải cách hành chính. Trong đó, ghi rõ trình tự thủ tục giải quyết các yêu cầu của các tổ chức, cá nhân có liên quan; quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong Ban quản lý.
Ngoài ra, để thực hiện tốt Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Ban quản lý các KCN cùng các sở, ngành trong tỉnh Đồng Nai đã phối hợp và nhanh chóng hoàn thành việc đơn giản hóa các TTHC liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, lao động, xuất nhập khẩu, môi trường, xây dựng… trong KCN. Theo Tổ Đề án 30 Chính phủ đánh giá, toàn tỉnh Đồng Nai đạt tỷ lệ hơn 40% về đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền của các sở, ngành; riêng Ban quản lý các KCN Đồng Nai đạt tỷ lệ gần 32% và đạt yêu cầu của Chính phủ đề ra (Chính phủ quy định 30%). Cụ thể, trong năm 2010, Ban quản lý các KCN đã tiếp nhận và giải quyết 16.527 hồ sơ, tăng 155% so năm 2009, nhưng vẫn bảo đảm 100% hồ sơ được giải quyết theo đúng quy trình ISO và đúng hẹn. Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN còn chủ động thực hiện cải cách hành chính ngay tại cơ quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giải quyết thủ tục nhanh chóng, như cải tiến các biểu mẫu cho phù hợp hơn, ứng dụng quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008, thực hiện các chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, đề án đổi mới công tác tiếp dân…
Tại các lần đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức thời gian gần đây, đại diện các doanh nghiệp FDI đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, mà thể hiện rõ nhất là việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, như việc cấp giấy phép đầu tư từ 15 ngày được rút ngắn chỉ còn ba đến năm ngày, cá biệt có một số dự án được cấp phép trong một ngày. Điều này đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp vào chính sách thu hút vốn FDI khi phần lớn các doanh nghiệp FDI có kế hoạch kinh doanh lâu dài tại Đồng Nai, trong quá trình hoạt động có hơn 90% số doanh nghiệp tăng vốn.
Thành công trong việc cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho các KCN trên địa bàn phát triển nhanh chóng. Đến nay, tỉnh có 30 KCN đã được thành lập với tổng diện tích hơn 9.573 ha, trong đó diện tích đất dành cho thuê là 6.338 ha và đến cuối năm 2010 diện tích đất đã cho thuê là 3.748 ha, đạt tỷ lệ 59,14% diện tích đất dành cho thuê. Tại 30 KCN của tỉnh Đồng Nai đã có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với tổng số hơn 1.130 dự án, trong đó có 827 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD, còn lại là các dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 31.625 tỷ đồng; đã tạo việc làm cho hơn 370 nghìn lao động.
Mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 1,5 đến 1,7 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, năm 2011, các KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài ở mức 900 triệu USD (tăng 150 triệu USD so năm 2010), trong đó thu hút đầu tư mới 400 triệu USD và tăng vốn mở rộng sản xuất 500 triệu USD. Trong quý I năm nay, Ban quản lý dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho bảy dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,2 triệu USD; điều chỉnh 55 dự án FDI tăng vốn hơn 69 triệu USD. Bên cạnh đẩy mạnh cải cách TTHC, về công tác quy hoạch và phát triển KCN, Ban quản lý các KCN đẩy mạnh hỗ trợ cho các công ty kinh doanh hạ tầng đạt chỉ tiêu cho thuê được
100 ha đất trong năm 2011. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc hướng dẫn triển khai dự án đầu tư xây dựng KCN mới thành lập theo quy định; theo dõi công tác triển khai mở rộng các KCN hiện tại (các KCN Định Quán, Tân Phú, Amata, An Phước, Long Đức, Xuân Lộc); hoàn chỉnh việc triển khai xếp hạng các KCN trên địa bàn TP Biên Hòa trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định công nhận thứ hạng về KCN phát triển bền vững để mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư tại các KCN. Ngoài ra, theo định hướng đến 2015, tỉnh Đồng Nai thành lập thêm bốn KCN, nâng tổng số KCN lên con số 34.
Theo Nhandan
Ý kiến ()