Ðẩy mạnh cải cách hành chính là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững
Ngày 5-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, xây dựng chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.Báo cáo tổng kết của Chính phủ tại hội nghị đánh giá, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực, cụ thể trên các nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; thực hiện xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Riêng lĩnh vực cải cách TTHC, thực hiện Đề án 30, giai đoạn I trong cả nước thống kê được hơn 5.700 TTHC, hơn 9.000 văn bản quy định và hơn 100 nghìn biểu mẫu thống kê TTHC. Giai đoạn II các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát theo tiến độ và đạt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC....
Báo cáo tổng kết của Chính phủ tại hội nghị đánh giá, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực, cụ thể trên các nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; thực hiện xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Riêng lĩnh vực cải cách TTHC, thực hiện Đề án 30, giai đoạn I trong cả nước thống kê được hơn 5.700 TTHC, hơn 9.000 văn bản quy định và hơn 100 nghìn biểu mẫu thống kê TTHC. Giai đoạn II các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát theo tiến độ và đạt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC. Đến nay đã có hơn 5.500 TTHC được rà soát, trong đó 453 TTHC được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ, 3.749 TTHC được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, 288 TTHC được thay thế, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 81%.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra Chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020 với những mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, xây dựng được một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Trọng tâm CCHC trong cả giai đoạn 10 năm là: xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có yếu tố hết sức quan trọng là cải cách chế độ, chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thật sự để cán bộ, công chức làm việc; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình cải cách TTHC, chia sẻ các kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị Chính phủ một số biện pháp để tăng cường hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Công tác CCHC trong mười năm qua đạt được kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, huy động được các nguồn lực để phát triển, tạo ra bộ máy hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, trong đó có CCHC, do đó các bộ, ngành, địa phương cần rút ra những bài học kinh nghiệm, cụ thể hóa thành từng chương trình, kế hoạch hành động để căn cứ vào đó triển khai, coi đó là khâu trọng tâm đột phá để phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng lưu ý công tác CCHC trong mười năm tới cần chú trọng ba khâu đột phá là: thể chế, thủ tục; chất lượng nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông. Để có thể chế kinh tế thị trường hoàn thiện, cần khắc phục vướng mắc, bất cập, giải phóng lực lượng sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Hoàn thiện thể chế, đi liền thủ tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân. CCHC phải xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước từ T.Ư đến cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ, quyền làm chủ của người dân và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức 'vừa hồng vừa chuyên', đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, có trình độ, năng lực, tâm huyết với đất nước, trách nhiệm với nhân dân. Bộ Nội vụ cùng với các bộ, ngành, địa phương làm rõ chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí, từng cán bộ, xây dựng bộ chức danh tiêu chuẩn cho từng ngành, lĩnh vực, cơ quan. CCHC cần tập trung vào vấn đề quản lý và sử dụng đất đai; làm tốt việc xã hội hóa các dịch vụ công cộng, huy động nguồn lực của cả đất nước để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khám, chữa bệnh… Lưu ý những điểm doanh nghiệp, người dân còn phàn nàn như: thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản (đấu thầu, chỉ định thầu); đất đai… Cải cách về tổ chức bộ máy làm sao thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, rà soát làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quyền hạn của tất cả các tổ chức từ T.Ư tới cơ sở. Dành nguồn ngân sách nhà nước thỏa đáng để đầu tư cho phát triển nhân lực, nghiên cứu khoa học. Việc hiện đại hóa nền hành chính cần tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử để giảm hội họp, giấy tờ. Ứng dụng tốt công nghệ thông tin sẽ góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC.
Đề cập một số giải pháp để làm tốt công tác CCHC thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Các bộ, ngành phải tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đưa vào nghị quyết của cấp ủy, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, có chỉ đạo, tổng kết. Lưu ý cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả CCHC, cùng với đó là làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để đẩy mạnh thực hiện công tác này đạt hiệu quả cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()