Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản ùn ứ tại khu vực cửa khẩu
– Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản được vận chuyển từ các tỉnh, thành phố đến các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh không thể xuất qua thị trường Trung Quốc. Để hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số giải pháp nhằm hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng này.
Theo thống kê từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, tính đến 8 giờ ngày 5/1/2022, lượng phương tiện tồn tại các cửa khẩu: Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh là 2.249 xe, phần lớn là các xe vận chuyển nông sản.
Do Trung Quốc đang thực hiện chính sách Zero COVID, quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa để phòng, chống dịch COVID-19 được siết chặt khiến lượng hàng hóa được thông quan đạt rất ít. Thời điểm này, chỉ có một số phương tiện tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị được thông quan với số lượng chưa đến 100 xe/ngày. Đối với các mặt hàng nông sản chưa thể xuất bán, đặc biệt là hoa quả, việc tạm dừng thông quan đã và đang khiến nhiều lô hàng gặp phải tình trạng héo úa, thối rữa, gây thiệt hại cho nhiều chủ hàng.
Nhân viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ chủ hàng tiêu thụ quả thanh long qua sàn postmart.vn
Bà Hoàng Hà Du, chủ kinh doanh tại thành phố Lạng Sơn cho biết: Các lô hàng mít Thái của tôi nhập từ tỉnh Tiền Giang để xuất khẩu, mỗi lô hàng có giá trị dao động từ 500 đến 600 triệu đồng. Do không thể xuất bán, tôi phải bán tại nội địa với giá 3.000 đồng/kg (giảm 27.000 đồng/kg). Nhiều sản phẩm do thối rữa phải bỏ đi. Thiệt hại với mỗi lô hàng lên đến vài trăm triệu đồng.
Không chỉ bà Du, nhiều chủ hàng khác cũng đang phải chịu thiệt hại nặng nề do các xe hàng nông sản đang phải ùn ứ trên các cửa khẩu. Đối với mặt hàng hoa quả, do đặc thù không thể bảo quản quá lâu, không ít chủ hàng đã bị lỗ từ 200 đến 500 triệu đồng/lô hàng tồn.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Trên cơ sở đó, ngày 30/12/2021, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có văn bản gửi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Vietel, Công ty Cổ phần Công nghệ cuccu.vn đề nghị chỉ đạo chi nhánh, đơn vị trực thuộc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang ùn tắc tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đưa mặt hàng nông sản lên cửa hàng số của các sàn thương mại điện tử như: langson.voso.vn, langson.postmart.vn, cuccu.vn nhằm tiêu thụ phân phối sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khu vực Hà Nội.
Trong quá trình thực hiện, Sở TT&TT đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, tuyên truyền đến các chủ hàng và lập danh sách gửi đến 3 đơn vị trực tiếp hỗ trợ các chủ hàng. Từ danh sách trên, các đơn vị đã chủ động liên hệ để tư vấn, hướng dẫn các chủ hàng mở cửa hàng số và đăng bán các mặt hàng nông sản qua sàn thương mại điện tử.
Ông Hoàng Mạnh Tuân, Phó Giám đốc Viễn thông và Công nghệ thông tin Chi nhánh Bưu chính Viettel Lạng Sơn cho biết: Ngay khi tiếp nhận danh sách các chủ hàng cần hỗ trợ từ Sở TT&TT, đơn vị đã huy động tối đa nguồn nhân lực để rà soát, hướng dẫn các chủ hàng mở cửa hàng số và đăng bán sản phẩm. Đồng thời, đơn vị đã bố trí nhân lực cùng các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra chất lượng, phân loại các mặt hàng nông sản để đảm bảo yêu cầu khi đưa lên sàn voso.vn. Tính đến hết ngày 4/1/2022, đơn vị đã hỗ trợ các chủ hàng đưa khoảng 100 tấn nông sản lên sàn voso.vn để tiêu thụ.
Trước khi được hỗ trợ, nhiều mặt hàng nông sản phải “quay đầu” từ cửa khẩu để bán tháo cho người dân
Cùng với sàn voso.vn, thông qua 2 sàn khác là cuccu.vn và postmart.vn, chỉ sau 5 ngày triển khai, các đơn vị đã hỗ trợ chủ hàng đưa hơn 200 tấn nông sản lên sàn để tiêu thụ. Trong đó, tập trung vào các loại hoa quả như: mít Thái; sầu riêng; thanh long…
Chị Sái Thị Thu Hằng, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nắm được thông tin về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tôi đã chủ động liên hệ với Bưu điện tỉnh để nhờ kết nối hỗ trợ tiêu thụ thanh long. Theo đó, từ ngày 30/12/2021 đến nay, tôi đã được Bưu điện tỉnh hỗ trợ tiêu thụ 6 container thanh long với tổng số lượng 90 tấn. Việc này đã làm giảm bớt đáng kể thiệt hại cho các chủ hàng nông sản như tôi. Tôi rất cảm ơn Bưu điện tỉnh đã nhiệt tình hỗ trợ, đồng hành giúp chúng tôi vượt qua khó khăn.
Bên cạnh việc đưa các mặt hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu lên sàn thương mại điện tử, về phía Cục Hải quan tỉnh cũng đã chỉ đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị tập trung triển khai một số giải pháp nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục thông quan, tăng thời lượng làm việc trong ngày để hỗ trợ doanh nghiệp, chủ hàng. Bám sát tình hình thực tế, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị đã tăng thêm 2 giờ làm việc mỗi ngày và làm việc cả các ngày cuối tuần nhằm đẩy nhanh lượng hàng hoá thông quan. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên kiểm tra, phân loại các mặt hàng cần ưu tiên, trong đó, tập trung vào các mặt hàng nông sản có nguy cơ giảm chất lượng, dễ hư hỏng để hỗ trợ các chủ hàng hoàn thành việc thực hiện thủ tục thông quan sớm nhất.
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cũng đã tổ chức đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan qua các cửa khẩu. Ông Đỗ Minh Định, Trưởng Phòng Quản lý Doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Để có thể đẩy nhanh tốc độ thông quan, bên cạnh việc ưu tiên các mặt hàng nông sản, đơn vị đã tham mưu đến các đơn vị lựa chọn các lô hàng đã được chủ hàng Trung Quốc bố trí xe đến đón hàng sẵn. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc hàng hóa từ cả 2 phía Việt Nam – Trung Quốc.
Hiện nay, các lực lượng đang tiếp tục phối hợp theo dõi sát sao tình hình xuất, nhập khẩu hàng hoá cũng như lượng nông sản tồn đọng tại khu vực cửa khẩu. Cùng đó, chủ động rà soát, tuyên truyền đến các chủ hàng có nhu cầu để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiêu thụ nông sản. Qua đó, góp phần giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế cho các chủ hàng.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hữu Nghị
“Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa thông quan hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng. Cụ thể: đơn vị đã phối hợp với các lực lượng khác để điều tiết phân luồng giao thông tránh ùn tắc phương tiện vận chuyển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa; tăng cường các biện pháp quản lý đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực cửa khẩu; bố trí tăng giờ làm việc của cán bộ, công chức; tham mưu cho Cục và các ban, ngành chức năng một số biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thông quan hàng hóa, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản có nguy cơ hư hại cao”.
Ông Phí Trọng Thanh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Kinh doanh, Bưu điện tỉnh
“Bên cạnh việc tận dụng mạng lưới điểm bưu điện tại các địa phương để hỗ trợ các chủ thể kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, phòng đã tham mưu cho đơn vị kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị mua ủng hộ, quảng bá các loại nông sản thông qua hình thức trực tiếp trao đổi và mạng xã hội. Trong quá trình đưa các sản phẩm lên sàn postmart.vn, đơn vị đã phân bổ nhân lực thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm kỹ càng. Qua đó, đảm bảo về quyền lợi của khách hàng cũng như giữ uy tín, thương hiệu của các cửa hàng số. Trong quá trình thực hiện, đơn vị luôn đồng hành cùng các chủ thể kinh doanh, sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể khi gặp vướng mắc, khó khăn”.
Ý kiến ()