Đẩy mạnh các biện pháp phát triển sắn bền vững
Chiều 18/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phát triển sắn bền vững. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thời gian qua, đồng thời bàn những giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh phát triển ngành sắn Việt Nam trong thời gian tới.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: BT) |
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, cây sắn được trồng ở tất cả 7 vùng sinh thái trên cả nước, tuy nhiên diện tích tập trung nhiều nhất tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Diện tích sắn toàn quốc giảm từ năm 1995-1999, tăng trở lại từ năm 2000 – 2010 và phát triển ổn định từ năm 2011-2014. Năng suất sắn tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2015, sau 5 năm năng suất tăng 12,9 tạ củ tươi/ha, tốc độ tăng trung bình 2,58 tạ củ tươi/ha/năm.
Trong quý I/2015, số lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,37 triệu tấn với giá trị 420 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 22,7% về giá trị cùng kỳ năm 2014. Dự báo tình hình tiêu thụ sắn, trong thời gian tới tiếp tục tăng do thị trường tiêu thụ sắn đang tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, sử dụng sắn để sản xuất ethanol. Đồng thời, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Philippines liên tục tăng trong các năm 2011-2014. Như vậy, với nhu cầu sử dụng sắn để sản xuất ethanol như hiện nay, tổng khối lượng sắn phục vụ xuất khẩu dự báo vẫn sẽ được duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đó, mô hình canh tác sắn bền vững đã được triển khai tại nhiều tỉnh trồng sắn trọng điểm có vùng sắn nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến tinh bột, cồn và ethanol như: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,… Kết quả thu được từ mô hình cho thấy năng suất củ tươi cũng như hiệu quả kinh tế đều cao hơn so với đại trà.
Hiện nay, trên địa bàn cả nước có khoảng trên 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp tập trung hầu hết ở các tỉnh, vùng trồng sắn trọng điểm của cả nước, quy mô chế biến tồn tại dưới 2 dạng quy mô vừa và lớn. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến tinh bột sắn đạt trên 2,2 triệu tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, các nhà máy nhìn chung không đủ nguyên liệu để hoạt động và do khó khăn về tài chính, thị trường nên mới phát huy được trên 60% công suất thiết kế.
Hiện nay, trình độ công nghệ chế biến tinh bột sắn của Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới. Vì vậy, vấn đề nổi cộm trong chế biến sắn là tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Đa số các nhà máy chế biến đều có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả hoạt động của hệ thống chưa đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, diện tích sắn phát triển chưa theo quy hoạch, kế hoạch dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch của từng địa phương. Liên kết sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, sản phẩm thu hoạch không kết hợp được với kế hoạch thu mua, chế biến làm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao, chất lượng sản phẩm giảm thấp. Nhiều diện tích trồng sắn theo tập quán quảng canh, người trồng không đầu tư chăm sóc dẫn tới năng suất thấp và làm suy kiệt dinh dưỡng đất trồng. Mặt khác, thị trường, giá cả thu mua không ổn định gây ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đầu tư, thu nhập của người trồng sắn.
Để phát triển sản xuất bền vững trong thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, cần khắc phục các tồn tại trong thời gian qua đồng thời tập trung triển khai những nhiệm vụ chính quan trọng. Trong đó, quy hoạch vùng trồng sắn theo hướng linh hoạt, có đầu tư thâm canh, diện tích khoảng 550.000ha.
Quản lý chặt chẽ đất rừng, tuyệt đối không phá rừng trồng sắn, không trồng sắn trên đất có độ dốc trên 15 độ, trồng sắn theo đường đồng mức, trồng xen với cây họ đậu, cây thức ăn gia súc kết hợp đầu tư thâm canh, bón đủ và cân đối phân bón theo quy trình kỹ thuật gieo trồng để chống xói mòn, đồng thời góp phần tăng năng suất, chất lượng.
Thêm vào đó, tăng cường sử dụng giống mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp trong việc trồng giải vụ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động tối đa công suất.
Đồng thời, tăng cuờng liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp (đặc biệt với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) theo hướng các doanh nghiệp đầu tư kinh phí mua giống, phân bón cho vùng sản xuất tập trung có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định. Bộ NN&PTNT đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao để chuyển giao cho các vùng đã được quy hoạch.
Nhằm thực hiện các nhiệm vụ đề ra, các giải pháp cần chú trọng thực hiện gồm: về giống, tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các giống sắn có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Trong đó vùng có điều kiện thời tiết khô hạn, dinh dưỡng đất hạn chế, bố trí nhóm giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn. Vùng có điều kiện thâm canh, bố trí các giống có năng suất cao phù hợp với điều kiện thâm canh.
Thêm vào đó, nhanh chóng đưa cơ giới hóa vào sản xuất sắn; tiến hành đồng bộ từ khâu trồng đến khâu thu hoạch và chế biến nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Các nhà máy chế biến cần quan tâm đầu tư nâng cao năng lực chế biến, đầu tư thiết bị máy móc theo hướng hiện đại, đa dạng các sản phẩm theo hướng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sunh thực phẩm.
Gắn kết nhà máy chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu; các nhà máy cần có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, tránh tình trạng bị tư thương ép giá gây thiệt hại cho người trồng. Trong quá trình chế biến sắn, các nhà máy cần đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp cần tích cực xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()