Đẩy mạnh bê tông hóa để tăng an toàn giao thông
LSO-Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông tỉnh, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn chiếm đến 58,5%. Trong đó, một phần nguyên nhân là do đường giao thông chưa đảm bảo, các phương tiện khi di chuyển còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, thời điểm xảy ra mưa, lũ, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã bị ách tắc do sạt lở đất. Thời gian gần đây, cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới, phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ.
Thanh niên huyện Lộc Bình làm đường bê tông nông thôn |
Những ngày cuối năm chúng tôi có dịp đến thôn Cưởm Dưới, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con trong thôn khẩn trương lắp cống, san đường chuẩn bị bê tông hóa. Đường vào thôn chủ yếu là đường đất, trời nắng thì bụi mù đất đỏ, khi trời mưa, lòng đường chỗ lầy như ruộng mạ, chỗ bị xói mòn như rãnh nước, sơ sẩy một chút là xảy ra tai nạn. Không chỉ riêng việc đi lại, trao đổi hàng hóa của các hộ gia đình, học sinh đi học trong mùa mưa bão cũng rất vất vả, địa hình đa số đồi dốc, nhiều khi đến lớp quần áo lấm lem bùn đất vì ngã xe, trơn trượt. Đoạn đường từ thôn Cưởm Dưới đến trung tâm xã Xuân Mai hoàn thành sẽ giúp người dân trong thôn đi lại an toàn, thuận tiện. Anh Vi Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Mai, huyện Văn Quan cho biết: toàn xã có hơn 23 km đường, nhờ chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, toàn xã đã bê tông hóa được khoảng 80%. Nhờ đó, số vụ va chạm và tai nạn giao thông trên địa bàn đã giảm hẳn, bà con đi lại mua bán hàng hóa, nông sản cũng thuận tiện hơn.
Nhằm phát triển hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2013, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn theo chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc quy hoạch, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, các tầng lớp nhân dân đều hiểu được tầm quan trọng của việc bê tông hóa giao thông nông thôn đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng như vai trò trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con tại các địa phương. Nhiều đoạn đường khi thi công phải giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến nhiều công trình phụ, đất sản xuất của bà con song vì lợi ích chung, nhiều hộ đã vui vẻ hiến đất mở rộng đường mà không đòi bồi thường. Có thôn, bản không sẵn vật liệu, người dân đã quyên góp từ 9 – 12 triệu đồng mỗi hộ để bê tông hóa đường giao thông đi lại cho thuận tiện.
Trong năm 2013, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 252 km đường giao thông nông thôn, mở mới được 80km đường liên thôn, liên xã; xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 cầu treo qua sông với tổng số xi măng do tỉnh hỗ trợ là 33.153 tấn. Cùng với đó, người dân các địa phương đã đóng góp 650.248 công lao động và số tiền 22.281 triệu đồng, khai thác cát, đá, sỏi được 85.200 m3 để làm đường. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân đã hiến 85.000 m2 đất để làm đường. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ số xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa đạt 91,6%; thôn, bản đạt 92%, số đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 22%.
Nhờ đẩy mạnh phong trào bê tông hóa đường giao thông mà hiện nay tại nhiều thôn bản, các phương tiện đi lại được 4 mùa, người dân yên tâm hơn mỗi khi tham gia giao thông, va chạm, tai nạn tại khu vực nông thôn cũng giảm đáng kể. Trong thời gian tới, phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó, bớt được nỗi lo của người dân khi lưu thông trên đường, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt và hạn chế tối đa tai nạn có thể xảy ra.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()