Đẩy lùi thuốc nhập lậu
LSO-Trong vòng 15 năm trở lại đây, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, thu giữ và xử lý trên 53 tấn thuốc và bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Trong số này hầu hết là không nằm trong danh mục thuốc được phép lưu hành, sử dụng và không có nhãn mác. Đây chính là những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm nông sản và sức khỏe của cộng đồng.
Nông dân huyện Tràng Định phun thuốc phòng trừ sâu hại lúa xuân |
Là hàng hóa đặc thù, có độc tính cao, bởi vậy việc lưu trữ và xử lý tiêu hủy số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu này là rất nan giải và tốn kém. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: qua công tác nắm địa bàn cho thấy, việc nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật thường diễn ra với quy mô rất nhỏ lẻ, được vận chuyển từ bên kia biên giới. Giá trị hàng hóa không lớn, nhưng khi lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thì bài toán xử lý thuốc ra sao lại rất nan giải.
Nan giải bởi từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhà kho để chứa các mặt hàng này, thêm vào đó việc tiêu hủy cũng phải theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường. Muốn vậy phải vận chuyển thuốc tới các cơ sở tiêu hủy đủ điều kiện ở các tỉnh khác, rất tốn kém về kinh phí. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cách đây hơn 5 năm trước, khi cơ quan chức năng thu giữ được hơn 6,8 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, nhưng do không có nơi chứa đã phải lưu tại khu vực nhà để xe của Chi cục Bảo vệ thực vật. Việc lưu cữu trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của khu dân cư gần đó.
Tại sao giá trị không lớn mà người dân vẫn nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật vào nội địa? Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là từ những hạn chế của mạng lưới dịch vụ, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Nhắc lại thời điểm cách đây hơn 5 năm, trên địa bàn huyện Văn Lãng chỉ có 3 người có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mặt hàng này và trong số đó chỉ có 1 hộ gia đình là thực hiện kinh doanh. Bởi mạng lưới dịch vụ mỏng như vậy, nên nhân dân khu vực giáp biên phải nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật, một phần để phục vụ nhu cầu chăm sóc cây trồng của chính gia đình mình, mặt khác cung cấp nhỏ lẻ cho các gánh hàng rong, len lỏi vào sâu trong nội địa. Không phải riêng ở Văn Lãng mà thời điểm bấy giờ dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn tỉnh còn rất mỏng. Thuốc trừ sâu nhập lậu xuất hiện phổ biến trong các chợ phiên khu vực nông thôn vùng biên và thẩm thấu vào nội địa. Để giải quyết triệt để tình trạng này, vấn đề đặt ra là phải phát triển được mạng lưới dịch vụ, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Các dịch vụ này thay vì tập trung ở các khu vực trung tâm như thị trấn, thị tứ phải vươn vào khu vực nông thôn, đặc biệt ở các địa bàn giáp biên.
Ông Hoàng Văn Đảy, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: để thực hiện triệt để giải pháp này, trong những năm qua, Chi cục đã tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc bảo vệ cây trồng cho nhà nông. Mặt khác mở thêm nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các cá nhân có nhu cầu làm dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật để cấp chứng chỉ hành nghề. Tính đến tháng 6/2014, toàn tỉnh đã có khoảng 340 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Các cơ sở này phân bố khá đều, đảm bảo cho nhà nông có thể tiếp cận dễ dàng với mặt hàng này. Đồng thời đến với các cơ sở được cấp chứng chỉ hành nghề, nhà nông cũng được tư vấn sử dụng đúng thuốc, pha đúng nồng độ và phun đúng cách, đúng thời điểm. Ông Hoàng Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lộc Bình khẳng định: hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 30 cơ sở kinh doanh được cấp phép, phân bố gần như đều khắp trên các xã. Nhờ đó mà hiện nay các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu hầu như đã vắng bóng trên địa bàn huyện Lộc Bình.
Có thể khẳng định, việc phát triển sản xuất kinh doanh từ nội địa đã hạn chế được rất nhiều tình trạng nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng đó là chỉ nói riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, bởi với sản xuất đang phát triển như hiện nay, nhu cầu của nhà nông không cao. Nhưng trên địa bàn cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh đồng bằng với những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung; các nhà vườn sản xuất nông sản xuất khẩu… nhu cầu về thuốc bảo vệ thực vật là rất lớn. Tại buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn mới đây, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu ra một con số: mỗi năm cả nước nhập khẩu từ 70.000-100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó có lượng lớn nhập lậu từ Trung Quốc.
Với số lượng này, Lạng Sơn có nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển lớn. Chính vì vậy, ngoài việc tự thân phát triển các loại hình dịch vụ, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Lạng Sơn rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để có đủ cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, có thể xử lý ngay các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu bị thu giữ. Đồng thời chế tài xử lý các đối tượng vi phạm cũng cần mạnh mẽ hơn để có thể đủ sức răn đe.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()