Dạy kỹ năng sống góp phần giáo dục toàn diện học sinh
- Những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, qua đó nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện ở các nhà trường.
Toàn tỉnh hiện có 648 trường từ mầm non đến phổ thông. Thời gian qua, để việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả, ở mỗi cấp học lại có những hình thức triển khai phù hợp. Cụ thể, ở cấp học mầm non, việc giáo dục kỹ năng sống được thực hiện nhằm hình thành cho học sinh những kỹ năng giao tiếp cơ bản như giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Ở các trường phổ thông từ tiểu học đến THCS và THPT thì bên cạnh lồng ghép trong các môn học, việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh còn được triển khai trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số hoạt động ngoại khoá do nhà trường và đoàn thanh niên tổ chức.
Ghi nhận tại Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, trường hiện có gần 500 trẻ theo học. Từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay, nhà trường thường xuyên lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong các hoạt động dạy học, các trò chơi, tiểu phẩm cho trẻ đóng vai để trẻ hình thành các kỹ năng như: xây dựng tình bạn đẹp, kiên trì trong học tập; đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm... Đặc biệt nhà trường còn thường xuyên phối hợp với Công an thành phố tổ chức cho trẻ tham quan ngã tư đường phố và học luật giao thông, giúp hình thành kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho trẻ.
Đối với các trường phổ thông, nhà trường đã chủ động lựa chọn nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với đặc thù môi trường từng vùng, từng trường. Đơn cử tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT Cao Lộc, với đặc thù môi trường nội trú, có hơn 400 học sinh ở 2 cấp học là cấp THCS và THPT, học sinh đều là người dân tộc thiểu số nên việc dạy học và dạy kỹ năng sống luôn được nhà trường chú trọng thực hiện. Cô Nguyễn Tuyết Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai lồng ghép hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong các tiết học bộ môn; đưa vào các buổi sinh hoat dưới cờ, sinh hoạt lớp các chủ đề giáo dục kỹ năng sống; tổ chức các hoạt động ngoại khoá giáo dục kỹ năng sống như tuyên truyền giáo dục pháp luật, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn trên môi trường mạng, kỹ năng giao tiếp ứng xử, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh... Đồng thời, duy trì hoạt động các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao để tập hợp thu hút và giáo dục toàn diện đối với học sinh, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Qua đó có thể thấy, hiện nay, cùng với việc giáo dục về văn hóa, đạo đức, các trường học trong tỉnh còn quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Bên cạnh đó, để việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được hiệu quả, ngành giáo dục tỉnh còn tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ngành như: đoàn thanh niên, công an, tư pháp, viện kiểm sát, toà án… tổ chức các hoạt động rèn luyện, giáo dục cho học sinh các cấp với các chủ đề và hình thức đa dạng như: tổ chức hội thi an toàn giao thông, phiên tòa giả định về bạo lực học đường, diễn tập phòng cháy chữa cháy… Từ năm 2023 đến nay, ngành giáo dục đã phối hợp tổ chức được 11 phiên toà giả định ở các trường học và trên 3.000 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng đó 100% đơn vị, trường học đều tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho học sinh...
Từ các hoạt động giáo dục kỹ năng sống đầy hứng thú và sôi nổi, học sinh các cấp học đã được trang bị những kiến thức và hình thành kỹ năng để vận dụng vào cuộc sống, cũng như nâng cao năng lực học tập, làm việc sau này. Em Hà Anh Dũng, lớp 12A7, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong thời gian học tập tại trường, em không chỉ được học kiến thức từ sách vở mà còn được thầy cô chỉ bảo cho những điều hay, lẽ phải. Đặc biệt nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá tuyên truyền về an toàn giao thông về kỹ năng ứng xử trên không gian mạng và nhiều hoạt động ngoại khoá giáo dục kỹ năng sống bổ ích khác… Qua những hoạt động đó đã giúp chúng em hiểu biết và trưởng thành hơn.
Thông qua các hoạt động giáo dục kỹ năng sống đa dạng đó đã giúp các em học sinh trau dồi thêm kỹ năng, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện của các nhà trường. Cụ thể, từ năm học 2022 - 2023 đến nay, ở cấp tiểu học có trên 99% học sinh được xếp loại từ hoàn thành trở lên đối với các môn: Toán, tiếng Việt và hơn 99% học sinh được đánh giá từ đạt trở lên về xếp loại từng năng lực, phẩm chất; đối với cấp THCS và THPT có trên 70% học sinh đạt xếp loại học lực từ khá trở lên, trên 90% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt.
Ý kiến ()