Thứ 7, 23/11/2024 02:40 [(GMT +7)]
Dạy học từ xa - giải pháp "đột phá" cho vùng xa
Thứ 4, 16/01/2013 | 15:43:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Thực hiện chương trình bổ túc xã và cụm xã, sự thiếu đồng bộ về đội ngũ giáo viên và hạ tầng giao thông của các xã vùng cao, vùng ĐBKK là những vấn đề lớn mà các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) phải đối mặt. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tuyến là một giải pháp mang tính “đột phá” để khắc phục những khó khăn này.
Các học viên tại lớp trực tuyến điểm cầu xã Ái Quốc (Lộc Bình) trong tiết học
Giải pháp E-learning trực tuyến đã được áp dụng trong giảng dạy từ xa đối với các trường đại học, cao đẳng ở nước ta. Song việc áp dụng vào giảng dạy đối với các trường phổ thông, nhất là dạy cho các lớp bổ túc THPT xã và cụm xã, thì hầu như ít ai nghĩ tới. Điều đó cũng là hợp lẽ, bởi vì các lớp bổ túc xã và cụm xã hầu hết ở cách xa trung tâm huyện, thiếu phòng học đạt yêu cầu, thiếu hạ tầng thông tin đồng bộ. Mặt khác, trình độ sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) của đội ngũ cán bộ giáo viên còn nhiều hạn chế.
Với tinh thần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nhà trường, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã chỉ đạo Phòng GDTX đưa giải pháp trực tuyến vào giảng dạy thử nghiệm tại lớp bổ túc xã. Trung tâm GDTX huyện Lộc Bình áp dụng tại xã Ái Quốc, cách trung tâm huyện 50 km. Ông Hoàng Chiêu, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Lộc Bình tâm sự: “Lo lắm, Ái Quốc là xã xa nhất của huyện, đường vào rất khó đi; mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy trực tuyến ở cả hai “đầu cầu” là Trung tâm GDTX huyện và lớp học tại xã chưa có là bao. Lo nhất là đường truyền của Viễn thông quân đội Viettel từ huyện vào xã liệu có đảm bảo. Việc Trung tâm GDTX huyện Chi Lăng đã 2 lần thử nghiệm tại xã Hữu Kiên đều thất bại là minh chứng cho sự phức tạp này”. Lo, nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện bằng được. Tình thương của ông đối với đội ngũ giáo viên hàng tuần phải thay nhau lặn lội đường xa vào giảng dạy không chỉ vất vả mà nhiều khi còn nguy hiểm đến tính mạng như thầy giáo Nông Minh Đức, giáo viên môn Địa lý bị trôi xe tại ngầm Khuổi Chả… đã thúc giục ông hành động. Thế là ròng rã 3 tháng trời, ông cùng đồng nghiệp vào ra, lắp ráp chạy thử nghiệm…
Thật ra, trang thiết bị cho giải pháp này không quá tốn kém, máy vi tính đã có sẵn, chỉ cần mua thêm 1 máy chiếu, 2 bộ camera, 2 bộ micro không dây, 1 Dcom 3G, 1 phông màn chiếu, âm ly, loa vi tính và phần mềm SKYPE để cài đặt vào máy vi tính là đủ, tổng cộng trị giá khoảng gần 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, giáo viên vi tính của Trung tâm tiến hành tập huấn phương pháp giảng dạy E-learning cho giáo viên. Lớp học tại xã mượn phòng tầng 2 của trụ sở UBND xã, nơi gần điểm đặt cột phát sóng của Viettel. Sau khi lắp đặt, Trung tâm đã cho dạy thử nghiệm 8 tiết, sau mỗi tiết đều có rút kinh nghiệm tại cả 2 “điểm cầu”. Cứ như vậy, giờ sau tốt hơn giờ trước về cả việc giáo viên dạy ở Trung tâm huyện và học sinh tiếp thu tại xã Ái Quốc. Trao đổi với chúng tôi, anh Triệu Tiến Thanh, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc nói rằng, vui quá, thật khó có thể tưởng tượng nổi thầy ở Trung tâm huyện, trò ở xã Ái Quốc, cách nhau 50 cây số mà trao đổi với nhau như trong một phòng học. Sức mạnh của kỹ thuật thông tin đã mang lại niềm vui và lòng tin cho thanh niên Ái Quốc. Quả thật, dự giờ thử nghiệm cuối cùng trước khi đưa vào khai thác chính thức, các cán bộ Sở GD&ĐT, giám đốc một số trung tâm GDTX, cán bộ xã, người học và nhân dân trong vùng…ai cũng ngỡ ngàng vì chất lượng đường truyền khá tốt, sự tương tác giữa người dạy và người học được đảm bảo. Ở ngoài trung tâm, thầy có thể quan sát từng khuôn mặt ở lớp học trong xã; trò vừa nghe tốt, vừa nhìn bảng viết, quan sát được từng cử chỉ, khuôn mặt và biểu cảm của giáo viên; tinh thần tích cực tham gia xây dựng tiết học của học viên được khơi dậy.
Không thể nói hết được sự hào hứng của học viên, tò mò vì cái mới, cái lạ đã đành, họ còn rất tự hào rằng mình đã tiếp cận và thụ hưởng công nghệ mới. Chị Tăng Thị Sửu ở thôn Mòng, là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nói rằng, vào đây phải đi xa 30 cây số nhưng vẫn còn gần hơn ra tận Trung tâm GDTX Lục Ngạn – cách những 60 cây số. Nay lại được học trực tuyến, thấy rất vui và hào hứng. Lớp trưởng Đặng Quốc Huynh, thôn Co Peo có 3 bố con cùng đi học lớp này chỉ nói một câu: “thật tuyệt vời”…
Tuy có một số nhược điểm cần khắc phục như chất lượng đường truyền nhiều khi còn trục trặc, giáo viên ngoài Trung tâm nghe tiếng nói của học viên nhiều khi chưa rõ, thỉnh thoảng hình bị giật, học viên khó nhìn bảng vì khi máy chiếu vào thường bị lóa, “nghe” và “nhìn” nhiều khi chưa đồng bộ, sự tương tác giữa thầy và trò nhiều khi còn hạn chế… Song tính ưu việt của nó đã được khẳng định. Để khắc phục những nhược điểm này, các cán bộ chuyên môn đã đề ra nhiều giải pháp như tăng thêm micro treo trên trần lớp, thay loại bảng chống lóa, đặc biệt phải dùng các thiết bị nghe nhìn với chất lượng tốt hơn. Về đường truyền, các cán bộ của Viettel chi nhánh Lộc Bình khuyến cáo địa điểm đặt lớp càng gần cột phát sóng càng tốt, việc dùng Dcom 3G nếu có trục trặc cần liên hệ với Chi nhánh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Đông, Trưởng phòng GDTX, Sở GD&ĐT cho biết, giải pháp đã được khẳng định ở Trung tâm GDTX Lộc Bình; nó chứng tỏ nếu quyết tâm sẽ làm được và làm tốt. Từ nay đến hết năm 2013, ngành sẽ chỉ đạo tất cả các trung tâm tiến hành thử nghiệm và sẽ nhân rộng tại các lớp bổ túc THPT xã và cụm xã thuận lợi về cơ sở hạ tầng thông tin.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()