Dạy học phù hợp với đặc điểm học sinh - Điểm nhấn trong đổi mới phương pháp dạy học
LSO-Dạy học phù hợp với đối tượng người học vừa là trọng tâm của đổi mới phương pháp giáo dục, vừa là nội dung quan trọng của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên vấn đề này đã được ngành GD&ĐT quan tâm chỉ đạo đối với các nhà trường.
Giờ học thân thiện của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Văn Tám TP Lạng Sơn |
Điểm mấu chốt của dạy học phù hợp là bỏ hẳn lối dạy theo kiểu “đọc-chép” thụ động như trước đây, thay vào đó là tôn trọng vai trò người học, đưa học sinh tham gia vào quá trình dạy và học một cách chủ động, có kế hoạch; đẩy mạnh động viên, khích lệ học sinh, sử dụng và khai thác tốt đồ dùng dạy học, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Để có được bước chuyển đổi căn bản này, từ năm học 2009-2010, ngành GD&ĐT đã liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo đổi mới giáo dục phổ thông từ cấp trường đến cấp ngành như hội thảo công tác giáo viên chủ nhiệm, hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, hội thảo về phương pháp học tập…Ngay từ đầu năm học, tất cả các nhà trường tổ chức đợt khảo sát chất lượng đầu năm, từ đó giáo viên tổng hợp, đề xuất phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm học sinh, từ độ tuổi, dân tộc đến những trường hợp cụ thể. Nhận thấy học sinh con em đồng bào các dân tộc Lạng Sơn học yếu môn Tiếng Anh, chủ yếu là vốn từ vựng, ngữ pháp và phát âm, trong 2 năm 2012 và 2013, ngành đã chủ trương mở “Ngày hội nói Tiếng Anh”, chủ trương này được sự đồng tình của tất cả các nhà trường và là cơ hội cho các em học sinh. “ Ngày hội Tiếng Anh” cấp tỉnh đã thu hút trên 10.600 học sinh tham gia trên tổng số trên 89.000 lượt học sinh tham gia giao lưu Tiếng Anh ở 2 cấp học THCS và THPT. Chính việc làm này đã mang lại thành công thiết thực, góp phần thực hiện thành công bước đầu Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 của ngành.
Việc đổi mới mạnh mẽ và sáng tạo phương pháp dạy học hướng đến đối tượng người học đã có tác dụng tốt đến công tác tự học, tự nghiên cứu của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Trong những năm qua, nhiều đơn vị đã có sự đóng góp tích cực vào việc đổi mới này như các trường Mầm non Liên cơ, Tiểu học Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn), Tiểu học I, thị trấn Hữu Lũng, THPT chuyên Chu Văn An, THPT Lương Văn Tri… và đội ngũ giáo viên giỏi tại các kỳ thi giáo viên giỏi các cấp từ cấp trường đến cấp ngành vừa qua đánh dấu thành tựu của đổi mới phương pháp dạy học; chính họ là những “đầu tàu” với năng lượng mới đủ sức kéo cả đoàn tàu giáo dục đi lên theo hướng đổi mới.
Trong thực tế, việc đổi mới phương pháp dạy học đã hướng vào những nội dung cơ bản, thiết thực để nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém; tăng cường năng lực thực hành, rèn luyện kỹ năng. Đối với giáo viên, việc đổi mới theo hướng dạy học phù hợp và hiệu quả gắn liền với đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, dạy học theo hướng chuẩn kiến thức, kỹ năng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học từ cấp học mầm non đến THPT. Đến nay, tất cả các nhà trường, cơ sở giáo dục đã ứng dụng CNTT trong dạy học. Khả năng khai thác và ứng dụng CNTT trong đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng cao; giáo án điện tử, bài giảng điện tử không còn là những từ ngữ xa lạ với giáo viên và học sinh và ngày càng trở nên sinh động, phong phú, hấp dẫn, thực sự khơi gợi sự hứng thú và tính tích cực của học sinh.
Việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng người học đã tạo nên những “giờ học thân thiện” tại các nhà trường. Thống kê của ngành GD&ĐT cho biết, trong 4 năm từ năm học 2009-2010 đến năm học 2012-2013, toàn ngành đã có trên 18.000 giờ học có hiệu quả cao. Hiệu quả của đổi mới là kiến thức không quá nặng, học sinh không sợ, không chán học, học đi đôi với hành, tăng tỷ lệ chuyên cần, tạo môi trường giáo dục thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, duy trì sĩ số, giảm tình trạng học sinh bỏ học, từ đó nâng cao hiệu quả đào tạo của từng cấp học. Đổi mới phương pháp dạy học sẽ là tiền đề để giáo dục Lạng Sơn bước vào thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong những năm sau.
Ý kiến ()