Dạy học ở vùng chiến khu xưa
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên môn địa lý hướng dẫn các em học sinh lớp 12 ôn tập. |
Theo thống kê của Ban giám hiệu nhà trường, tỷ lệ học sinh nghèo được miễn, giảm học phí hằng năm chiếm hơn 20%; đi học xa nhà, nên có hơn 100 em phải trọ học gần trường, đã đánh giá chất lượng đầu vào của trường không “thương hiệu” như các trường trong thành phố. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục theo chương trình, công đoàn nhà trường vận động giáo viên bồi dưỡng, phụ đạo những học sinh yếu kém, học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp lớp 12 hơn 300 tiết dạy không nhận thù lao. Đội ngũ giáo viên được bố trí hợp lý, tận tâm, tận lực với học sinh, truyền dạy kiến thức cơ bản và nâng cao cho học sinh về chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng đi đôi giáo dục kỹ năng sống. Đáng chú ý, với mũi nhọn là kiến thức khoa học xã hội, kỳ thi học sinh giỏi năm 2012-2013, trường có 19 học sinh tham gia, đã có bảy em đoạt giải cấp tỉnh, một em vào vòng hai thi học sinh giỏi quốc gia. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm đã hướng các học sinh nên thi vào các trường xã hội nhân văn đúng với thế mạnh của các em, và đã thành công.
Gặp cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, từng dẫn dắt nhiều em học sinh đoạt giải Anh văn cấp tỉnh, nay được phân công chủ nhiệm lớp 12B có nhiều học sinh cá biệt, nhiều em có hoàn cảnh éo le cần giúp đỡ. Bí quyết của cô Hằng là liên tục bám lớp, nắm bắt cá tính từng học sinh, nhất là các em trọ học gần trường để quản lý, hướng dẫn nâng cao kỹ năng sống. Bản thân cô nhận đỡ đầu một em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cô còn vận động các phụ huynh vào cuộc, ngoài việc tài trợ hàng chục triệu đồng cho hoạt động của trường, một phụ huynh đã đỡ đầu hai em khác, khi nghỉ hè còn tạo việc làm với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng cho hai em nói trên.
Trong khi đó, cô giáo Đào Thị Hiến, lại nêu tấm gương sáng khi đỡ đầu học sinh Hoàng Văn Huân lớp 12A mồ côi cha, mẹ, nhà ở thôn Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, cách trường học gần 25 km. Hằng tháng, cô hỗ trợ cho em 100 nghìn đồng và chăm lo từ áo quần đến sách vở, động viên Huân học hết chương trình THPT nhằm tạo cơ hội vào đời cho em. Đã qua hai cái Tết, Huân được cô Hiến lo đủ đầy như những học sinh khác có gia đình chăm lo, dù cho hoàn cảnh gia đình cô cũng chẳng khá giả gì. Từ tấm gương của cô Hiến, những năm học trước có 28 em được các thầy giáo, cô giáo trong trường nhận đỡ đầu, năm học 2012 – 2013 này, toàn trường đã có 34 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu chăm sóc, giúp các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Đáng chú ý, đến Trường THPT Hoàng Quốc Việt, chuyện các thầy giáo, cô giáo của trường lặn lội đến từng thôn, bản và gia đình từng em để tìm hiểu, động viên các em đến lớp là chuyện thường ngày. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Đỗ Thị Thanh Thủy chia sẻ: Thu hút và nâng cao chất lượng học tập của nhà trường là tạo môi trường thân thiện cho học sinh học tập, ngoài việc nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo, nhà trường đã sử dụng đèn chiếu, kết nối in-tơ-nét thư viện cho học sinh học tập, trao đổi kiến thức nâng cao, nhất là môn tiếng Anh.
Thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng chiến khu xưa, sự tận tình, hết lòng vì học sinh của các thầy giáo, cô giáo nhà trường là tấm gương chuẩn mực về đạo đức người thầy cho học sinh noi theo.
Ý kiến ()