Dạy học gắn với thực tiễn: Cách tiếp cận hiệu quả để đạt mục tiêu giáo dục
(LSO) – Dạy học từ thực tế là việc sử dụng những bối cảnh, tư liệu đưa vào các bài giảng hoặc lấy làm đề tài cho học sinh vận dụng các kiến thức để giải quyết các vấn đề của địa phương ấy. Cách dạy này mang lại hiệu quả cao cho học sinh.
Từ các lớp học ngoài trời…
Từ năm học 2010 – 2011, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP) trong việc củng cố cơ sở vật chất và hỗ trợ một phần kinh phí bán trú cho học sinh tiểu học đã giúp hàng trăm trường tiểu học với hàng chục ngàn học sinh tại Lạng Sơn chuyển từ học 1 buổi sang bán trú và học cả ngày. Có thêm thời gian, nhất là thời gian học ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo đã tăng lên đáng kể. Các nhà trường đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động phù hợp, theo chủ điểm; phối hợp các hoạt động giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật; tổ chức các thư viện thân thiện, thư viện xanh; tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ. Học sinh được tham gia các hoạt động như chăm sóc vườn hoa, vườn rau… và nhiều hoạt động có sự tham gia của phụ huynh học sinh nên tác dụng giáo dục rất lớn.
Tham quan Bảo tàng tỉnh trong giờ học gắn với thực tế của học sinh Trường THCS xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn)
Trước yêu cầu sử dụng tốt và có hiệu quả thời lượng ngoại khóa theo quy định là 105 tiết mỗi năm (bằng khoảng 10%) thời lượng chương trình học ở mỗi cấp, các nhà trường đã có những tiết học hay và bổ ích, gắn với thực tiễn như: tiết học “nhà nông” trên cánh đồng trồng thuốc lá, lớp học vườn quýt của học sinh một số xã của huyện Bắc Sơn; lớp học vườn hồi ở Văn Quan, lớp học di sản “học trong hang” tại Thẩm Khuyên, Thẩm Hai của thầy và trò trường THCS Tân Văn (Bình Gia), lớp học lịch sử trên quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ của học sinh Văn Lãng… Đây chính là các lớp học thực tế rất bổ ích, cung cấp nhiều thông tin, kiến thức giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, nhớ lâu kiến thức. Được biết, năm học 2019 – 2020, chỉ riêng các trường THCS trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã tổ chức được 101 buổi học trải nghiệm sáng tạo với 1.927 lượt giáo viên và 49.386 lượt học sinh tham gia.
… Đến hình thành một xu hướng giáo dục
Thời gian qua, phương pháp “Bàn tay nặn bột” được áp dụng từ cấp tiểu học lên đến cấp THPT. Phương pháp này có tác dụng kích thích học sinh tìm tòi suy nghĩ từ chính những vấn đề thực tiễn địa phương và khơi nguồn cho phong trào nghiên cứu khoa học từ cấp THCS đến THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, học sinh Lạng Sơn đã có nhiều dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) có chất lượng cao, có tính ứng dụng vào thực tiễn như: máy hái hoa hồi, máy thụ phấn cho na, bẫy côn trùng bằng ánh sáng và các đề tài về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông… Cô giáo Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc cho biết: Nhận thấy lợi ích của những giờ học thực tế, trung tâm đã tận dụng tốt thời gian, thời lượng trong khung chương trình cho phép để thực hiện có hiệu quả việc giảng dạy gắn với thực tiễn. Nhất là việc học tập gắn với nghiên cứu khoa học đã giúp học sinh nắm vững kiến thức và sáng tạo trong nghiên cứu thực nghiệm, qua đó hình thành trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của một người thợ trong tương lai.
Không chỉ có thế, 3 năm học gần đây, dạy học gắn với thực tế đã được “nâng tầm” và trong phạm vi các lĩnh vực như: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nó đã trở thành một xu hướng, một chương trình và phương thức dạy học trong trường phổ thông – chương trình STEM. Theo đó, nhiều cuộc thi dạy học theo phương thức STEM đã được thực hiện từ cấp trường, cụm trường đến cấp tỉnh. Năm học 2019 – 2020, cuộc thi thiết kế bài giảng STEM cho giáo viên đã thu hút 100% trường THPT và THCS tham gia với 91 sản phẩm thiết kế và 143 video bài giảng dự thi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các giờ học gắn với thực tiễn vẫn được tiến hành với các môn khoa học xã hội. Cùng với việc sử dụng tốt các tài liệu giáo dục địa phương trong các tiết nội khóa, kiến thức được bổ sung và làm sâu sắc thêm bằng các hoạt động ngoại khóa với các chủ đề sáng tạo và do học sinh thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Thầy giáo Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo cho biết: Dạy học gắn với thực tiễn là con đường ngắn nhất để xây dựng thế hệ công dân có kiến thức, kỹ năng cơ bản, có lòng yêu tổ quốc, yêu quê hương, trở thành người công dân tốt. Vì vậy, dạy học gắn với thực tiễn sẽ là một phần không thể thiếu trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Ý kiến ()