Dạy con ở ATK
Các em học sinh Hà Nội tặng quà các bạn ở Suối Bén. |
Trước thềm năm học mới 2012 – 2013, tôi lại nhớ đến một cách dạy con rất hữu ích: Đưa con lên ATK-Quê hương cách mạng…
Ấy là, một nhóm phụ huynh học sinh Trường THPT Hà Nội chuyên: Am-téc-đam, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) quen biết nhau. Nhìn những đứa con ngày một lớn; ngắm chúng say sưa với các phương tiện công nghệ thông tin, những vui thú tuổi học trò ở chốn đô thành; lại mừng rỡ với kết quả học tập của chúng, vậy mà họ vẫn ưu tư. Chị Đặng Thị Mỹ Hoa, công tác ở sân bay Nội Bài, đại diện của nhóm, vẻ mặt lo lắng, nói: “Chẳng bao lâu nữa, các cháu sẽ học đại học. Có đứa sẽ đi du học ở nước ngoài. Rồi lại học tiếp… Chúng sẽ khó mà biết được nữa!”. Hỏi: “Bọn trẻ làm sao, khó mà biết về điều gì?”. Họ đã trả lời bằng cách hết sức thuyết phục.
Theo sáng kiến của chị Kim Nhung – dược sĩ thuộc nhà ga Nội Bài, một sáng thứ bảy, giữa những ngày nắng cháy, mưa giông có thể đến bất kỳ lúc nào, nhóm phụ huynh nói trên dẫn đàn con mang những thùng quần áo sạch sẽ, sách vở học sinh lên xóm Suối Bén, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) – Vùng ATK xưa. Dọc đường đi, gặp cơn mưa như thác đổ, xe ô-tô mò mẫm vượt đường úng nước.
Tới nơi, đã 11 giờ 30 phút. Bụng cồn cào, nhưng mẹ con quên cả đói, quên cả mệt khi nhìn thấy các trẻ nhỏ tươi cười dưới nắng đón chào. Nhóm phụ huynh Hà Nội chủ động phối hợp các đồng chí lãnh đạo và bà con địa phương “tác thành” sự thân thiện cho con cái của họ và các cháu trong bản. Tuổi trẻ thật đáng yêu. Các anh chị ở Thủ đô lên động lòng ngay trước những cặp mắt trong veo và những nét cười ngây thơ thánh thiện của những em nhỏ miền núi. Các em miền núi thì không hề thấy cần phải phân biệt điều gì. Chúng đứng xen kẽ nhau, áo trắng, áo mầu, chân giày, chân đất. Người lớn nhìn mà rưng rưng. Các cô, các anh chị Hà Nội trao quà. Các bác, các em Suối Bén đón nhận. Đôi bên thật sự thành tâm.
Sau khi được nghe kể chuyện truyền thống địa phương, bọn trẻ cùng bước qua chín bậc cầu thang để lên nhà một gia đình trước kia từng là cơ sở của cách mạng. Bước trên sàn bằng tre vầu đập vỡ ghép mảnh, phập phồng, bập bềnh nhưng những đứa trẻ lạ không hề e ngại. Chúng đã hiểu. Bao năm nay, cái sàn ấy không thụt rồi. Chúng như tự tin thêm khi thấy các em bé chạy nhảy, nô đùa trên sàn ấy. Chúng không lấy tay che miệng hoặc dè chừng khi cùng ngồi chung quanh bếp củi âm u khói giữa sàn nhà. Chúng không trề môi hỏi: “Góc học tập đây à!”. Bởi chúng đã quan sát toàn cảnh căn nhà rồi tự đi tới chỗ các em để sách bút… Chúng mở cuốn vở học trò trong im lặng. Một vài khuôn mặt không nén nổi xúc động, mắt chớp chớp… Hai cô phụ huynh Hà Nội kéo nhau ra một góc nhà bàn bạc…
Bữa trưa, ăn tập trung ở nhà ông Đàm Văn Đương, Bí thư chi bộ xóm Suối Bén. Các em nhỏ sở tại nhanh nhảu chạy về trước chuẩn bị đón khách. Các phụ huynh từ Thủ đô lên chọn một chỗ thích hợp ngay tại sàn nhà, rồi tự sắp bánh mì, xôi, dưa hấu… mang theo ra từng mâm. Trong khi đó, bà con và trẻ em Suối Bén đưa ngô luộc còn ấm bàn tay đến cho các anh, chị Hà Nội. Tất cả cùng ăn như con một nhà.
Thời gian ngắn ngủi quá. Các anh chị học sinh Hà Nội rời bản, ngoái lại nhìn những em nhỏ mắt xoe tròn, bàn tay vẫy vẫy, không tươi cười như lúc đón khách mà đang bịn rịn, hồn nhiên như nứa, như mai.
Trên xe về Hà Nội, mỗi đứa trẻ một vẻ. Đứa đòi mẹ cho đi nhiều lần nữa như thế. Đứa lặng lẽ đưa ánh mắt ra xa qua cửa kính. Đứa nhìn bắp ngô trong tay… Tâm thức của chúng đã được bồi đắp thêm những điều mới lạ, quý giá, dù còn ít ỏi. Những người mẹ của chúng cũng đang cười.
Ý kiến ()