Dạy bơi an toàn cho trẻ em ở Ðà Nẵng
Hơn 21 nghìn trẻ em Đà Nẵng được hưởng lợi từ chương trình bơi an toàn. Triển khai ở Đà Nẵng từ mùa hè năm 2009 đến nay, chương trình "bơi an toàn" nằm trong dự án "an toàn Đà Nẵng" do hiệp hội cứu hộ hoàng gia Úc (RLSSA) thông qua tổ chức liên minh vì an toàn trẻ em (TASC) tài trợ đã đem lại lợi ích thiết thực cho hàng nghìn học sinh tiểu học (TH) Đà Nẵng.Tổng kinh phí của chương trình này qua bốn năm triển khai ở Đà Nẵng gần một triệu USD.Trang bị kỹ năng bơi an toàn cho trẻ emĐà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam được chọn để thực hiện chương trình SwimSafe. Ba năm qua, chương trình đã dạy thành công 15 nghìn trẻ em, năm 2012, chương trình tiếp tục trang bị kỹ năng bơi an toàn cho sáu nghìn trẻ em Đà Nẵng. Đây vừa là chương trình thiết thực, nhân văn, nhân đạo vì toàn bộ kinh phí, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học, lương giáo viên, học phí đều do các nhà tài trợ của dự án chi trả. Đánh...
Hơn 21 nghìn trẻ em Đà Nẵng được hưởng lợi từ chương trình bơi an toàn. |
Tổng kinh phí của chương trình này qua bốn năm triển khai ở Đà Nẵng gần một triệu USD.
Trang bị kỹ năng bơi an toàn cho trẻ em
Đà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam được chọn để thực hiện chương trình SwimSafe. Ba năm qua, chương trình đã dạy thành công 15 nghìn trẻ em, năm 2012, chương trình tiếp tục trang bị kỹ năng bơi an toàn cho sáu nghìn trẻ em Đà Nẵng. Đây vừa là chương trình thiết thực, nhân văn, nhân đạo vì toàn bộ kinh phí, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học, lương giáo viên, học phí đều do các nhà tài trợ của dự án chi trả. Đánh giá về hiệu quả của chương trình SwimSafe tại Đà Nẵng, bà Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP Đà Nẵng Huỳnh Thị Tam Thanh, khẳng định: “Đây là một chương trình rất thiết thực, mang lại cho trẻ em Đà Nẵng một cơ hội rất tốt để bảo đảm an toàn cho chính các em khi gặp tai nạn đuối nước. Các chuyên gia của RLSSA đã trực tiếp đào tạo cho ngành giáo dục Đà Nẵng 20 giáo viên cốt cán. Từ đội ngũ giáo viên cốt cán này, đã đào tạo tiếp cho 110 giáo viên thể dục tại các trường TH, THCS để họ tham gia vào suốt quá trình dạy bơi an toàn cho trẻ. Quyền lợi của chương trình đã đến thẳng học sinh với khoảng 21 nghìn em được thụ hưởng, chính vì vậy ngày càng có nhiều phụ huynh tìm đến và đăng ký cho con tham gia chương trình này”.
Đà Nẵng hiện có 100 trường TH với hơn 65 nghìn học sinh. Nhằm đáp ứng nhu cầu học bơi ngày càng cao của học sinh và phụ huynh, trong năm 2012, chương trình SwimSafe đã tiến hành lắp đặt 13 bể bơi di động tại 11 trường TH trên toàn TP Đà Nẵng; hai bãi biển Sơn Trà, Thanh Khê và CLB bơi lội – Bệnh viện phục hồi chức năng Đà Nẵng. Mỗi bể bơi sẽ dạy cho trẻ em và học sinh từ năm trường TH trở lên trong khu vực, trung bình mỗi ngày có 11 ca học, mỗi ca có sáu học sinh, một đợt học kéo dài 20 ngày. Tham gia khóa học, các em học sinh được hướng dẫn 20 bài học cơ bản về các kỹ năng bơi sống sót, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng bơi an toàn nhằm tránh nguy cơ đuối nước cho bản thân, biết cách cứu đuối trong trường hợp người khác bị nạn. Với những kiến thức cơ bản như cách ra vào khu vực nước một cách an toàn; kỹ năng sống sót – tự làm nổi trong nước; cách đạp chân, thở và di chuyển trong nước an toàn, hiệu quả; kỹ năng tự cứu mình và người khác khi bị đuối nước; kỹ năng làm hồi tỉnh bằng sơ cứu đường thở và hồi sinh tim phổi CPR. Chương trình SwimSafe đã thu hút được khá nhiều phụ huynh đăng ký cho con em tham gia học bơi, đồng thời ký cam kết cùng với các giáo viên theo dõi, quản lý, đôn đốc trẻ tuân thủ các yêu cầu của bể bơi và giáo trình học. Để được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học, các em học sinh phải biết bơi tối thiểu là 25 m và nổi trên mặt nước được 60 giây.
Tại CLB bơi lội – Bệnh viện phục hồi chức năng Đà Nẵng, từ sáng sớm, đã có rất đông phụ huynh đưa con em tới học bơi. Các phụ huynh đều đồng tình cho rằng sau một năm học tập vất vả, cả ba tháng hè các em được vui chơi, bơi lội thoải mái, vừa rèn luyện thể lực cho trẻ, vừa tăng thêm kỹ năng sống cho các em khi gặp đuối nước. “Đây là một chương trình mang tính an sinh xã hội lớn, tạo điều kiện cho các em học sinh, đặc biệt các em có hoàn cảnh khó khăn được học bơi miễn phí. Quan trọng là sau mỗi khóa học, các em đã có những kỹ năng cơ bản nhất để tự cứu đuối, và xây dựng thói quen đi bơi, học bơi và yêu bể bơi đối với các em học sinh”, phụ huynh Nguyễn Văn Hoàng ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu, chia sẻ. Em Phạm Vân Nga, học sinh lớp 3/4 Trường TH Hoàng Văn Thụ thì hồ hởi: “Cháu tham gia học lớp dự án bơi an toàn được hai tháng nay, rất vui. Hiện cháu đã biết bơi và hiểu được nhiều kỹ năng cơ bản về đuối nước, cháu không sợ bị đuối nước nữa”. Còn em Nguyễn Hữu Tín, đang tham gia học tại bể bơi Trường TH Phù Đổng lại hào hứng kể: “Hồi trước em được bố dạy bơi khi đi tắm biển, nhưng em rất sợ nước. Bây giờ được học bơi tại đây, em đã bơi được quanh hồ này. Đi học bơi được biết thêm nhiều bạn mới, em vui lắm”.
Huấn luyện viên cao cấp Nguyễn Đức Hoàng Việt, giáo viên thể dục Trường TH Lý Công Uẩn cho biết: “Khi được tham gia vào chương trình này, chúng tôi được các huấn luyện viên cao cấp của RLSSA tập huấn các kỹ năng cơ bản nhất trong giáo trình. Đa số trẻ rất thích nước nhưng lại sợ không nín thở được trong nước. Là giáo viên bậc TH cho nên việc hiểu tâm sinh lý của học sinh đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình hướng dẫn các em vượt qua nỗi sợ hãi khi xuống nước, giúp các em dạn nước và biết bơi an toàn”.
Được biết, từ chương trình SwimSafe, có nhiều học sinh đã bơi thành thạo và trở thành nguồn vận động viên bơi lội cho Đà Nẵng. Đặc biệt có năm em đạt Huy chương vàng môn bơi lội tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực III tổ chức tại Nghệ An vừa qua.
Tình yêu với trẻ em
Theo ông Ross Cox, Giám đốc điều hành dự án – TASC, cái duyên ông đến Đà Nẵng và gắn bó với trẻ em trong mấy năm qua là vì tình yêu vô bờ với trẻ. Đặc biệt, khi đọc báo, thấy nhiều nơi ở đất nước Việt Nam có trẻ em bị đuối nước, ông rất xót xa. Ông trăn trở, làm sao để trẻ em ở Đà Nẵng không bao giờ phải lên báo vì nạn đuối nước, làm sao để trẻ em trên đất nước Việt Nam không bị tai nạn đuối nước gây thiệt mạng. Ông nói: “Chúng tôi hiểu rằng học sinh mầm non, TH là đối tượng dễ bị đuối nước nhất ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy chúng tôi chọn dạy bơi an toàn cho học sinh các trường bậc TH. Tôi và các đồng nghiệp may mắn được triển khai chương trình này tại Đà Nẵng và được chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất. Đà Nẵng cũng là nơi có môi trường quản lý giáo dục rất tốt với 99% số học sinh đến trường. Tùy thuộc vào nguồn kinh phí tài trợ của dự án, chúng tôi mong muốn sẽ nhân rộng chương trình này ở một số tỉnh, thành phố khác của Việt Nam trong thời gian tới”. Trong lịch làm việc tại văn phòng dự án ở Đà Nẵng, ông Ross Cox rất quan tâm đến việc đi thực tế tại các bể bơi. Ông nói rằng điều này đã thể hiện sự quan tâm của dự án đối với các huấn luyện viên, các giáo viên và tình yêu đối với trẻ. Tổ chức bất cứ một việc gì liên quan đến trẻ em, cho trẻ em, người lớn cần làm việc bằng cả trái tim và hành động bằng lương tâm của người bố, người mẹ.
Trang bị cho trẻ em những kiến thức về bơi an toàn là việc làm rất cần thiết, đặc biệt với trẻ em sinh sống ở các địa bàn có nhiều sông, nhiều biển như Đà Nẵng. Điều mà nhiều phụ huynh và các thầy cô giáo rất băn khoăn, là sau ba tháng hè, khi dự án kết thúc, toàn bộ cơ sở vật chất của dự án để lại cho Đà Nẵng. Chính vì vậy, rất cần có sự hướng dẫn, tạo điều kiện của các cấp chính quyền để các lớp dạy bơi an toàn được tiếp tục hoạt động, ngay cả khi dự án này không còn tiếp tục triển khai miễn phí tại Đà Nẵng. Vì thực tế, nhu cầu cho con em học bơi tại Đà Nẵng rất lớn mà các bể bơi của chương trình này chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ, nhưng nếu chỉ trông chờ vào dự án thì còn khá nhiều trẻ em Đà Nẵng không thể có điều kiện học bơi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()