tle=”Đầu tư xây mới các mỏ than hầm lò hiện đại”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 thi công đào lò giếng đứng sâu ở mức âm 410m mỏ than Núi Béo.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), hướng tới mục tiêu đưa Vinacomin trở thành Tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, cơ cấu hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực chính. Công tác đầu tư xây dựng các mỏ hầm lò được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để đáp ứng yêu cầu sản xuất than phục vụ phát triển kinh tế đất nước những năm tới đây. Lãnh đạo Vinacomin đang chỉ đạo quyết liệt, đồng thời có các giải pháp đồng bộ để đưa các mỏ đầu tư mới vào hoạt động đúng tiến độ, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Thời gian qua, nhiều đơn vị thành viên Vinacomin trong quá trình đào lò đã gặp rủi ro, thi công hàng nghìn mét lò nhưng không gặp vỉa, do tài liệu địa chất sai với thực tế. Đơn cử, dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất của Xí nghiệp than Hoành Bồ, thi công hai đường lò trong dự án, theo tính toán thiết kế lò đi trong than, nhưng đào mãi chỉ thấy… đá; dự án đầu tư khai thác mỏ Khe Chàm 3, khi các mũi đang thi công thì gặp phay (hiện tượng đứt gãy của vỉa), phải dừng lại một tháng để khoan thăm dò tìm vỉa; dự án khai thác xuống sâu dưới mức âm 50 m mỏ Ngã Hai (Công ty Than Quang Hanh) không thực hiện được do vỉa mỏng, mất vỉa, phải khoan thăm dò, điều chỉnh phù hợp thực tế. Thợ mỏ có câu cửa miệng: “Đời không gặp vỉa”, để nói rằng sự hao tổn công sức, tiền của từ sự rủi ro này là khá lớn. Ngoài một số yếu tố khách quan, phần lớn do chủ đầu tư vội vã khởi công khi chưa đủ các điều kiện. Nhiều dự án buộc phải tạm dừng, thiết kế lại khiến tiến độ bị chậm và gây lãng phí. Rõ ràng, công tác chuẩn bị đầu tư đã bộc lộ những yếu kém; quá trình thẩm định dự án, tài nguyên và trữ lượng chưa được đánh giá kỹ; một số dự án chỉ mang tính cục bộ, không kết nối với khoáng sàng chung quanh. Nhiều dự án còn “cứng nhắc” trong việc xác định ranh giới, không khai thác tận thu hết tài nguyên. Khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Vinacomin chỉ đạo các đơn vị tiến hành thận trọng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện các bước theo luật định và Quy chế đầu tư xây dựng cơ bản của Tập đoàn; khảo sát kỹ lưỡng địa chất công trình để đánh giá chuẩn xác cấu trúc của than và đất đá, chủ động đưa ra các giải pháp thi công phù hợp điều kiện địa chất phức tạp.
Trong công tác đào lò, cơ giới hóa không những nâng cao năng suất, đẩy nhanh tiến độ mà còn giảm cường độ lao động cho công nhân, bảo đảm an toàn và đem lại nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, áp dụng rộng rãi cơ giới hóa tại các đơn vị vẫn đang là bài toán hóc búa. Nhiều năm trời, việc áp dụng các thiết bị hiện đại trong đào lò không mấy tiến triển, tỷ lệ bốc xúc thủ công chiếm tới một nửa đối với các gương lò than và 25% các gương lò đá. Một phần nguyên nhân do kinh phí mua máy đào lò khá cao (một máy com-bai đào lò đá và phụ kiện trị giá khoảng 200 tỷ đồng), nhưng nguyên nhân quan trọng hơn do điều kiện địa chất một số mỏ vùng Quảng Ninh không ổn định. Thiết bị khoan hiện đại, qua thực tế áp dụng tại một số đơn vị cho thấy hiệu quả chưa cao và phạm vi còn hạn chế. Lãnh đạo Vinacomin giao quyền chủ động đầu tư thiết bị cho công tác đào lò cho các đơn vị nhưng cần chọn lọc, lựa chọn thiết bị phù hợp điều kiện thực tế. Tổng Giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh: Căn cứ theo những giải pháp được lãnh đạo Tập đoàn đề ra, các công ty than chủ động xây dựng lộ trình cụ thể, bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư đã được quyết định, bao gồm công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, kế hoạch huy động vốn… Vinacomin giao Công ty Hầm lò 1 và Hầm lò 2 chủ trì thi công xây dựng các mỏ mới, có sự hợp tác, chuyển giao công nghệ của đối tác nước ngoài, đầu tư thiết bị xây dựng mỏ đồng bộ, phù hợp; Công ty tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, thiết kế; các dự án mỏ lớn, có tính chất phức tạp, cấp thiết cần phối hợp thuê tư vấn trong và ngoài nước nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng. Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục triển khai cơ giới hóa khai thác, đào lò toàn diện tại các đơn vị. Trước mắt, sẽ rà soát diện sản xuất của các đơn vị, đưa ra giải pháp áp dụng công nghệ phù hợp từng điều kiện. Những vị trí áp dụng được cơ giới hóa, nhất thiết phải áp dụng, cần chủ động, quyết tâm đưa bằng được cơ giới hóa lên một bước mới. Cơ giới hóa trong khai thác, đào lò là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình CNH, HĐH của ngành than. Do vậy, cần có sự đột phá, triển khai toàn diện tại các đơn vị.
Triển khai nhiều dự án xuống sâu
Dự án xuống sâu mỏ than Núi Béo, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng do Công ty than Núi Béo làm chủ đầu tư triển khai trong năm qua đã có sự phối hợp khá nhịp nhàng, ăn ý giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế và thi công. Giám đốc Công ty than Núi Béo Vũ Anh Tuấn cho biết: Đây là dự án khai thông mở vỉa bằng giếng đứng, có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, lần đầu do các đơn vị thuộc Tập đoàn thiết kế và thi công, trong đó một số hạng mục yêu cầu kỹ thuật cao có sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài. Viện Khoa học Công nghệ Mỏ được giao làm tổng thầu tư vấn thiết kế, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 tổng thầu thi công. Dự án có công suất thiết kế hai triệu tấn than nguyên khai/năm, được khai thông bằng cặp giếng đứng xuống đến mức âm 410 m, công nghệ khai thác chủ yếu được áp dụng cơ giới hóa với sản lượng mỗi lò chợ từ 200 đến 600 nghìn tấn/năm. Trước đó, ngành than cũng đã khởi động chương trình đào lò giếng đứng tại mỏ Hà Lầm ở mức âm 345 m. Dự án triển khai từ tháng 2-2009, mở vỉa bằng ba giếng đứng, trữ lượng địa chất huy động khoảng 110 triệu tấn than, công suất thiết kế 2,4 triệu tấn/năm, thời gian khai thác hơn 45 năm. Sắp tới, ngành than tiếp tục triển khai dự án đào lò giếng đứng Khe Chàm 2 – 4, công suất 3,5 triệu tấn/năm, do Công ty than Hạ Long làm chủ đầu tư. Đây là dự án có quy mô lớn, nguồn vốn gần 12 nghìn 600 tỷ đồng, sẽ khai thông xuống mức âm 500 m và dưới âm 500 m. Mỏ Khe Chàm 2 – 4 sẽ có công nghệ tương đương các mỏ hiện đại của châu Âu, cơ giới hóa đến mức cao nhất các công đoạn sản xuất. Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 Phạm Đức Khiêm cho biết: Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, danh dự, việc làm của hàng nghìn thợ lò, do vậy công ty sẽ dồn toàn tâm, toàn lực cho dự án này. Hàng trăm công nhân đã đi học tập kinh nghiệm và kiến thức đào lò tại một số nước có trình độ đào lò cao. Công ty cũng được Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, tổng thầu tư vấn tham mưu đầu tư một số loại máy móc, thiết bị hiện đại chuyên sâu về lĩnh vực đào lò để ngày càng chuyên nghiệp hóa trong công tác đào lò.
Theo quy hoạch phát triển ngành than, sản lượng than thương phẩm sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 65 triệu tấn (năm 2020) và 75 triệu tấn (năm 2030), trong đó, sản lượng hầm lò chiếm tỷ lệ lớn. Vinacomin chủ trương phát triển ngành than bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, triển khai áp dụng cơ giới hóa các khâu, trong đó cơ giới hóa khai thác và đào chống lò đóng vai trò quan trọng. Các mỏ than đã có những bước tiến mạnh mẽ về khoa học công nghệ trong khai thác và đào lò, áp dụng giải pháp cơ giới hóa khai thác các vỉa dày, dốc thoải. Thực tiễn áp dụng cơ giới hóa tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh cho thấy, khả năng tăng sản lượng khai thác và tốc độ đào lò khi áp dụng cơ giới hóa cao hơn nhiều so với khoan nổ mìn thủ công. Việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, giảm nặng nhọc cũng như số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ.
Việc áp dụng cơ giới hóa trong đào lò và khai thác than hầm lò là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác, bảo đảm phát triển bền vững ngành than. Các đơn vị trong ngành than cần thăm dò bổ sung, đánh giá chính xác trữ lượng than có khả năng áp dụng cơ giới hóa; xây dựng trung tâm bảo trì và bảo dưỡng thiết bị, đào tạo thợ cơ khí có tay nghề cao. Mặt khác, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cả về nguồn lực và cơ sở vật chất trong nghiên cứu thiết kế, nội địa hóa chế tạo các sản phẩm cơ khí và trang thiết bị cơ giới hóa. Đồng thời, tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xã hội cho các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, tăng cường gắn kết giữa Tập đoàn, đơn vị tư vấn, nghiên cứu với các doanh nghiệp khai thác hầm lò trong quá trình đầu tư và phát triển áp dụng cơ giới hóa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()