Ðầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em
Năm 1990, Việt Nam trở thành nước đầu tiên của châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Hơn 20 năm qua, những quyền lợi chính đáng của trẻ em nước ta đã được quan tâm và triển khai thực hiện, mang lại những thành tựu đáng mừng. Tuy nhiên, việc tạo dựng các cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu giải trí một cách bổ ích, lành mạnh vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu của trẻ em.Là một quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ, nước ta có tới gần 24 triệu trẻ em, chiếm 28% dân số cả nước và có xu hướng tăng dần theo từng năm. Nhưng hiện cả nước mới chỉ có khoảng 150 điểm vui chơi cấp tỉnh, hơn 700 điểm vui chơi cấp huyện, một con số quá ít ỏi so với nguyện vọng được vui chơi của đông đảo trẻ em cả nước. Ngay ở Thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều sân chơi trẻ em nhất nước ta với hơn 2.000 điểm cũng vẫn bị coi là quá ít trước nhu cầu của 664 nghìn trẻ,...
Là một quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ, nước ta có tới gần 24 triệu trẻ em, chiếm 28% dân số cả nước và có xu hướng tăng dần theo từng năm. Nhưng hiện cả nước mới chỉ có khoảng 150 điểm vui chơi cấp tỉnh, hơn 700 điểm vui chơi cấp huyện, một con số quá ít ỏi so với nguyện vọng được vui chơi của đông đảo trẻ em cả nước. Ngay ở Thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều sân chơi trẻ em nhất nước ta với hơn 2.000 điểm cũng vẫn bị coi là quá ít trước nhu cầu của 664 nghìn trẻ, chưa kể chỉ có 40% sân chơi trong số đó được trang bị đồ chơi và phân nửa đã ở tình trạng cũ kỹ, hỏng hóc. Thành phố Hồ Chí Minh cũng mới có 17 điểm vui chơi và công viên có quy mô, không thể đủ cho 1,7 triệu trẻ em dưới 16 tuổi; 22 nhà thiếu nhi cấp quận, huyện và một nhà thiếu nhi cấp thành phố, chỉ đủ phục vụ vui chơi của 6.000 em nhỏ, tức một phần ba số trẻ em thành phố. Có một nghịch lý là khi cơn lốc đô thị hóa càng mạnh mẽ thì quỹ đất dành cho sân chơi thiếu nhi càng bị “nuốt” dần bởi sự gia tăng chóng mặt của những dự án, quy hoạch, nếu không thì cũng bị người lớn lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. Dạo qua một số sân chơi ngay trong nội thành Hà Nội, từ Văn Chương, Giảng Võ, Thành Công đến Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ…, không gian chơi của trẻ đâu đâu cũng trở nên nhếch nhác, nơi bị chiếm dụng để bán hàng ăn, nơi trở thành bãi giữ xe, phơi mùng mền, quần áo… Cung Thiếu nhi, nhà văn hóa thường xuyên trong tình trạng quá tải, trong khi những công viên như Thống Nhất, Nghĩa Đô, Thủ Lệ những năm gần đây đã không còn sức hút với trẻ vì đồ chơi đã cũ, nhàm chán. Các bậc phụ huynh đành phải “nghiến răng” đưa con vào những khu vui chơi tư nhân đắt đỏ như Thiên đường Bảo Sơn, Công viên nước Hồ Tây, là những điểm vui chơi không phù hợp với số đông các gia đình hiện nay.
Trẻ em tại các thành phố lớn đã thế, gần 15 triệu trẻ em tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa và nông thôn lại càng “khát” sân chơi hơn. Đơn cử như tại Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh có tới gần 200 nghìn trẻ dưới 16 tuổi nhưng chỉ có 46 điểm vui chơi còn duy trì hoạt động. Còn tại một tỉnh nghèo như Điện Biên, với gần 16 nghìn trẻ em, cả tỉnh mới có ba nhà văn hóa thanh, thiếu nhi cấp huyện. Bạc Liêu, một trong những tỉnh đã quy hoạch sân chơi cho trẻ sớm nhất, thì sau 15 năm tái lập vẫn chưa có nổi một trung tâm văn hóa thanh, thiếu niên cấp tỉnh. Trong khi đó, một số địa phương khác như xã Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng), Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) hay xã Thổ Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang)… dù đã có khu vui chơi cho trẻ em nhưng không đủ kinh phí để đầu tư trang thiết bị, nên vẫn trong tình trạng bỏ hoang không được đưa vào sử dụng. Ở một số nơi, nhà văn hóa chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của những tổ chức như: Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…, họa hoằn lắm mới có những hoạt động dành cho trẻ. Tới thăm các làng quê Việt Nam sẽ thấy phổ biến cảnh tượng: ao hồ trở thành bể bơi, đường làng trở thành sân bóng, thậm chí đường ray tàu hỏa trở thành bãi thả diều của trẻ… Biết chơi ở đâu, khi mà nơi nơi đều tấp nập chia đất, khoanh thửa, rào tường; khi mà các sân kho xã, sân đình liên tiếp được hóa giá, đấu thầu, giao khoán trông coi?
Đó là thực trạng dễ nhận biết nhưng không dễ tháo gỡ, bởi để giải quyết vấn đề không những cần cái tâm dành cho trẻ mà còn cần sự quy hoạch mang tính dài hơi, đồng bộ. “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”, vì thế, việc quan tâm đến đời sống văn hóa-tinh thần của trẻ nhỏ chính là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển con người, đưa đất nước đi lên. Thiết nghĩ, việc đầu tiên cần phải làm ngay là kiểm kê, rà soát lại hệ thống sân chơi trẻ em hiện có để kịp thời sửa sang, khắc phục những hạng mục còn hạn chế. Đối với các địa điểm mà cơ sở vật chất đã xuống cấp hay chưa được phát huy hiệu suất sử dụng, cần sớm đưa ra biện pháp tu bổ, sửa chữa, tạo dựng lại. Trong điều kiện quỹ đất dành cho sân chơi trẻ em chưa thể huy động ngay, các ban, ngành nên cùng phối hợp với địa phương tranh thủ tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể tại một số tụ điểm như: trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, cụm dân cư… để giải quyết phần nào nhu cầu được vui chơi giải trí của các em. Với trẻ em ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, các địa phương nên kết hợp cùng Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức các sân chơi lưu động như các buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ để các em có cơ hội được giao lưu, học tập và giải trí. Bên cạnh đó, việc huy động quỹ đất để mở rộng, xây mới các khu vui chơi giải trí cho trẻ là biện pháp cần được đẩy mạnh ngay. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngoài việc chú trọng đầu tư kinh phí lớn cho những trung tâm vui chơi giải trí có quy mô lớn ở các đô thị, thành phố, các ban, ngành chức năng cũng nên quan tâm dành quỹ đất và kinh phí để triển khai xây dựng các khu vui chơi thiếu nhi có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn cả nước để phục vụ nhu cầu của số đông trẻ nhỏ. Việc tu bổ, xây dựng các địa điểm vui chơi cho trẻ cần được chuẩn hóa theo những tiêu chí nhất định, sao cho vừa bảo đảm về không gian, diện tích vui chơi, vừa bảo đảm về số lượng, chất lượng trò chơi. Ngoài việc kêu gọi đầu tư từ ngân sách nhà nước, chính quyền các cấp cần vận động mọi nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia xây dựng, tu bổ các sân chơi cho trẻ. Tại các tỉnh và huyện ngoại thành nên lồng ghép việc đầu tư xây dựng các điểm vui chơi trẻ em vào các hạng mục xây dựng nông thôn mới. Được biết, trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010, nhiều mục tiêu được đưa ra nhưng đã không hoàn thành, chẳng hạn, thay vì sẽ có 50% số xã, phường có điểm vui chơi đạt chuẩn cho trẻ thì chỉ hoàn thành 38,4%; thay vì 100% số quận, huyện có trung tâm vui chơi cho trẻ thì nay mới đạt 47%. Điều này chứng tỏ, để làm cho những mục tiêu trở nên khả thi không phải điều đơn giản. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 tiếp tục đưa ra chỉ tiêu: 45% số xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% số huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi.
Đề án “Quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở văn hóa vui chơi, giải trí cho trẻ em giai đoạn 2012-2015 đến 2020” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp T.Ư Đoàn soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ tiêu: Đến năm 2015, đầu tư xây dựng 70% số xã, phường, thị trấn có cơ sở văn hóa vui chơi, giải trí phục vụ trẻ em; xây dựng 62 nhà thiếu nhi tại 62 huyện nghèo trên cả nước. Giai đoạn 2015 – 2020 tiếp tục xây dựng hơn 100 nhà thiếu nhi cấp huyện, 80% số xã, phường, thị trấn có cơ sở vui chơi, giải trí phục vụ trẻ em… Thiết nghĩ, để những chỉ tiêu này không chỉ là con số hay khẩu hiệu nằm im trên văn bản mà thật sự đi vào đời sống, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, sự chung sức chung lòng, nhận thức và trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành trung ương, địa phương và toàn thể nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()