Đầu tư và tầm nhìn - gian nan mục tiêu huy chương châu lục và thế giới
Trong khi các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines đã có nhiều vận động viên (VĐV) được dự Olympic Paris 2024, thậm chí có thể điểm mặt những người có khả năng giành Huy chương vàng (HCV) thì thể thao Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm suất tham dự đấu trường này.
Biểu tượng Olympic được đặt trước Tháp Eiffel tại quảng trường Trocadero ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters. |
Mục tiêu đặt ra là cố gắng có được 12 suất chính thức dự Thế vận hội, nhưng đến thời điểm này chúng ta mới chỉ có bốn suất chính thức, trong khi chỉ còn chưa đầy sáu tháng nữa, Olympic Paris 2024 sẽ khai mạc. Sự chênh lệch quá lớn với một số nước trong khu vực Đông Nam Á và giữa mục tiêu cũng như thực tế nêu trên có lẽ chính là hệ lụy từ việc chưa có một tầm nhìn lâu dài hướng tới các đấu trường châu lục và Olympic.
Đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, từ ngày 2/2 đến 18/2, đội tuyển bơi Việt Nam gồm sáu tuyển thủ sẽ dự Giải bơi vô địch thế giới 2024 tại Doha (Qatar), trong đó chỉ mới có Nguyễn Huy Hoàng đạt chuẩn A dự Olympic Paris 2024 sau khi có Huy chương đồng ở cự ly bơi 800m tự do. Tại cả SEA Games 32 lẫn Giải bơi vô địch thế giới 2023, đội tuyển bơi nước ta không có VĐV đạt chuẩn Olympic.
Từ sau ASIAD 19, đội tuyển vẫn tập huấn trong nỗ lực giành thêm chuẩn Olympic, song hiện tại chỉ còn cơ hội dự giải bơi quốc tế diễn ra ở Thái Lan trong tháng 4 tới để tính thành tích xét chuẩn Thế vận hội. Ngay đầu tháng 1 vừa qua, đội tuyển bắn súng Việt Nam có thêm xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền đạt chuẩn Olympic 10m súng ngắn hơi nữ tại Giải bắn súng vô địch châu Á 2024 đồng thời là vòng loại Olympic của khu vực châu Á cho dù chỉ xếp hạng 4, do các xạ thủ xếp trên ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ đã giành vé tới Paris. Suất chính thức trước đó đã thuộc về xạ thủ Trịnh Thu Vinh cũng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.
Cuối năm 2023, đội tuyển cử tạ Việt Nam với các VĐV: Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Trần Anh Tuấn (61 kg nam), Quàng Thị Tâm (59 kg nữ), Phạm Đình Thi (49 kg nữ) và Phạm Thị Hồng Thanh (71 kg nữ) đã thi đấu tại Giải cử tạ Grand Prix 2023 tại Doha (Qatar) và không đạt chuẩn dự Olympic vì thành tích bết bát, nhưng cử tạ nước ta vẫn còn cơ hội giành vé ở hai giải đấu khác diễn ra vào tháng 2 sắp tới ở Uzbekistan và tháng 4 tại Thái Lan.
Đội tuyển bóng bàn cũng vừa được tập trung dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Đoàn Kiến Quốc, từng là một trong số ít VĐV bóng bàn Việt Nam từng giành vé dự Olympic và lần này họ có sự trở lại của tay vợt kỳ cựu Mai Hoàng Mỹ Trang, được kỳ vọng sẽ truyền đạt thêm nhiều kinh nghiệm cho các tay vợt trẻ vốn không có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế, để quyết tâm giành vé dự Olympic 2024.
Tính đến nay, thể thao Việt Nam mới có bốn suất chính thức dự Olympic Paris 2024, bao gồm một suất môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), một suất môn bơi (Nguyễn Huy Hoàng), hai suất của bắn súng (Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền). Mặc dù có nhiều trở ngại, song chúng ta vẫn còn cơ hội góp mặt tại đại hội thể thao lớn nhất hành tinh với những VĐV đang tiệm cận chuẩn Olympic ở môn cầu lông (Nguyễn Thùy Linh), judo (Nguyễn Thanh Thủy), cử tạ (Trịnh Văn Vinh), boxing (Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh, Lưu Diễm Quỳnh), taekwondo (Trương Thị Kim Tuyền, Ánh Tuyết, Bạc Thị Khiêm, Lý Hồng Phúc)… Thời gian tới, các VĐV sẽ phải dự nhiều giải đấu để tích lũy điểm số, duy trì thứ hạng hoặc tham dự các vòng loại Olympic để giành vé trực tiếp.
Với thành tích được thể hiện ở các giải đấu trong năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là tại ASIAD 19, khi ngay cả cơ hội tham dự Olympic đã là hết sức khó khăn thì việc giành huy chương tại đấu trường này còn cam go gấp nhiều lần đối với các VĐV Việt Nam. Nguyên nhân thì có nhiều và dường như ai cũng thấy trước hết từ sự đầu tư chỉ ở mức tối thiểu, trong khi các đối thủ cạnh tranh ngay ở khu vực cũng không ngừng đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các VĐV, các môn thế mạnh. Song, không phải không có giải pháp trong hoàn cảnh vẫn phải “giật gấu, vá vai” nếu chúng ta biết đầu tư, biết tiêu đúng chỗ.
Thực tế cho thấy, những năm qua, mặc dù hạn chế về kinh phí, ngành thể thao vẫn dồn mọi nguồn lực để đào tạo, tập huấn VĐV dự SEA Games 32 của khu vực với số lượng lớn với rất nhiều VĐV ở các môn chưa có trong danh sách Olympic, thậm chí thi thoảng mới được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD. Cũng bởi sự dàn trải như vậy, các VĐV hàng đầu nước ta không có được sự chuẩn bị tốt nhất, thiếu chuyên gia giỏi, trang thiết bị cùng điều kiện tập huấn lạc hậu, ít cơ hội cọ xát ở các giải đấu đỉnh cao cấp châu lục và thế giới khiến trình độ của các VĐV hàng đầu Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn so với thể thao thế giới.
Không phải chúng ta không nhìn ra. Không phải không có chuyển biến tích cực trong định hướng đầu tư những năm qua. Nhưng vấn đề là triển khai thực hiện chưa thật quyết liệt và “bệnh” thành tích vẫn còn nặng nề. Kết quả trắng tay ở kỳ Olympic Tokyo 2020 và thành tích quá “khiêm tốn” ở ASIAD 19 trước một số nền thể thao trong khu vực, là cảnh báo nghiêm khắc. Tầm nhìn và chiến lược đầu tư dài hạn là cấp bách bởi việc phát triển thể thao đỉnh cao và có được thành tích cao ở đấu trường châu lục và thế giới là không thể đòi hỏi chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng muốn đạt mục tiêu thì cũng không được chậm trễ. Nó đòi hỏi một quá trình xây dựng hệ thống bài bản từ nền tảng cơ sở mang tính chuyên nghiệp, nhất là quy trình từ công tác phát hiện, đào tạo, huấn luyện, đãi ngộ và tạo dựng được đội ngũ những người thầy, chuyên gia giỏi cho công tác huấn luyện, đồng thời có sự kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh nếu việc huấn luyện chưa thật sự hiệu quả.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()