Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đồng bằng sông Cửu Long chưa xứng với tiềm năng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 6 địa phương có dự án FDI mới với 27 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký trên 200 triệu USD.
Một dự án FDI đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: K.V) |
Trong đó, tỉnh Long An có 21 dự án FDI mới, vốn đầu tư đăng ký trên 45 triệu USD. Tỉnh Tiền Giang có 1 dự án, vốn đăng ký 0,48 triệu USD.Trà Vinh 1 dự án, vốn đăng ký 120 triệu USD. An Giang 3 dự án, vốn đăng ký trên 27 triệu USD. Sóc Trăng 1 dự án, vốn đăng ký 6 triệu USD. Thành phố Cần Thơ có 1 dự án, vốn đăng ký là 0,49 triệu USD. Ngoài ra, có ba địa phương là: Long An, Tiền Giang và Bạc Liêu có 12 dự án FDI tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm là trên 23 triệu USD.
Như vậy, hiện đã có gần 1.000 dự án FDI đầu tư vào 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL, với tổng vốn đăng ký là trên 12 tỷ USD, chiếm 5% tổng vốn đăng ký của cả nước. Trong đó, tỉnh Long An đứng thứ nhất trong khu vực về thu hút FDI với gần 600 dự án và trên 4 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 60% tổng số dự án và 35% tổng vốn đầu tư của cả khu vực.
Có thể thấy, mặc dù đã cố gắng qua nhiều năm, tuy nhiên, các dự án FDI đầu tư vào khu vực ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hạn chế này do khá nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là hạ tầng giao thông của khu vực còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nếu so sánh với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ thì khu vực ĐBSCL hạn chế hơn nhiều về hạ tầng giao thông. Cho dù ĐBSCL đã có sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc nhưng chưa mở ra các chuyến bay quốc tế đi các nước. Đồng thời, hệ thống cảng nước sâu, dù hơn 70% hàng hóa ra vào vùng này có nhu cầu vận chuyển đường thủy, nhưng do hiện nay, tàu lớn không vào được cảng vì luồng bị ách tắc, nên hàng hóa không thể lưu thông và buộc phải lưu thông bằng đường bộ, dẫn đến đội giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học – kỹ thuật ở khu vực này còn yếu. Lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao, thiếu nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Tình trạng phổ biến hiện nay ở ĐBSCL là những dự án đã có chủ trương đầu tư, kể cả dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng nhà đầu tư không thể triển khai hoặc chậm triển khai.
Trong tương lai, các tỉnh ĐBSCL sẽ là khu vực được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, bởi khu vực này có nhiều tiềm năng hàng hóa. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để sao cho chi phí logistics giảm tới mức thấp nhất.
Để thu hút FDI trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL phải có những giải pháp hữu hiệu, giải quyết bài toán nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Sự tiên phong về tư duy phát triển, gắn kết được quá trình liên kết chuỗi giá trị kinh tế sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tăng cường thu hút FDI vào nông nghiệp đặt ra yêu cầu đột phá về cơ chế, chính sách mới. Dòng vốn FDI chỉ thật sự phát huy tác dụng khi nội tại ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn đủ sức hấp thụ vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()