Đầu tư, tôn tạo di tích: Xã hội hóa là nguồn lực chủ đạo
LSO- Trong 2 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có 19 điểm di tích được đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp với tổng nguồn vốn gần 7,4 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư nguồn xã hội hóa chiếm tới gần 70%. Điều này cho thấy nguồn xã hội hóa đang là chủ đạo.
Gần 80% di tích cần được đầu tư, tôn tạo
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 586 di tích, bao gồm: 250 di tích lịch sử cách mạng, 44 di tích khảo cổ, 248 di tích kiến trúc nghệ thuật (tín ngưỡng, tâm linh) và 41 danh lam thắng cảnh.
Ông Nguyễn Bá San, Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh cho biết: hiện nay, toàn tỉnh có từ 70% đến 80% di tích đang xuống cấp. Trong đó có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật (đình, đền, chùa) ở các huyện đều đã xuống cấp trầm trọng hoặc đang ở dạng phế tích. Thế nhưng nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đầu tư tôn tạo là một việc làm hết sức cần thiết để bảo tồn nguồn sử liệu vật chất trực tiếp cung cấp thông tin quan trọng, khôi phục lịch sử dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời gìn giữ, phát huy nguồn tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch, dịch vụ, tăng nguồn thu cho địa phương.
Múa rồng tại Lễ hội Chùa Tam Thanh – Tam Giáo (TP Lạng Sơn)
Xã hội hóa chiếm 69% tổng vốn đầu tư
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 19 điểm di tích đã và đang được đầu tư, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng số vốn đầu tư gần 7,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng (chiếm 31%) và vốn từ nguồn xã hội hóa là 5,1 tỷ đồng (chiếm 69%).
Qua đó cho thấy, nguồn vốn đầu tư, tôn tạo di tích chủ yếu là nguồn xã hội hóa. Từ nguồn này, nhiều loại hình di tích tín ngưỡng được trùng tu, tôn tạo, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.
Chùa Trung Thiên (xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình) thờ Quận công Vi Đức Thắng, người có nhiều công lao đối với quê hương, đất nước. Cấp ủy, chính quyền xã đã kêu gọi nhân dân, các nhà hảo tâm, đóng góp công sức tôn tạo, tu sửa. Trong năm 2011, ông Vi Non Nước (người con của xã) đã cung tiến cho nhà chùa 8 pho tượng phật. Năm 2014 đến nay, nhân dân trong xã đóng góp ngày công để làm 150 m đường bê tông vào chùa và lát 117 m2 sân gạch, trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Cũng từ nguồn xã hội hóa, trong năm 2014, đền Bắc Lệ (Hữu Lũng) đã sử dụng hơn 2 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, xây dựng thêm các công trình mới, trong đó có khu nhà vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của xứ Lạng, đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc) mỗi năm tiếp đón khoảng 180 ngàn lượt khách đến tham quan. Ban quản lý đền đã sử dụng tiền công đức một cách hợp lý, thường xuyên đầu tư nâng cấp các gian thờ, xây thêm tháp, đặt thêm tượng…
Thiết nghĩ, cùng với việc tăng cường nguồn lực xã hội hóa và sử dụng nguồn kinh phí Trung ương chống xuống cấp các di tich tích quốc gia, tỉnh cần dành ngân sách đầu tư, tôn tạo các di tích cấp tỉnh để phát huy tiềm năng của hệ thống di tích trong phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()