Ðầu tư theo phong trào, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, giải thể
Con số doanh nghiệp (DN) giải thể, tạm ngừng hoạt động trên cả nước tiếp tục tăng, lên tới 35,5 nghìn DN trong tám tháng qua. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là, đến tháng 8, cả nước có hơn 46 nghìn DN thành lập mới, cao hơn số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động.Mặc dù vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tình trạng gia tăng số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng cảnh báo với các DN đang hoạt động, nếu DN không có những giải pháp căn bản để phát triển một cách bền vững, hiệu quả thì sẽ không dễ tránh khỏi sự đóng cửa hàng loạt như vừa qua.Bài I: Năng lực cạnh tranh yếuMột trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải thể, tạm ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng... của nhiều DN hiện nay là do những yếu tố khách quan bên ngoài, từ những biến động bất thường, tiêu cực của kinh tế thế giới đến những khó khăn của kinh tế trong nước. Song, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là do những yếu kém của bản thân DN."Sống dở" trên...
Mặc dù vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tình trạng gia tăng số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng cảnh báo với các DN đang hoạt động, nếu DN không có những giải pháp căn bản để phát triển một cách bền vững, hiệu quả thì sẽ không dễ tránh khỏi sự đóng cửa hàng loạt như vừa qua.
Bài I: Năng lực cạnh tranh yếu
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải thể, tạm ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng… của nhiều DN hiện nay là do những yếu tố khách quan bên ngoài, từ những biến động bất thường, tiêu cực của kinh tế thế giới đến những khó khăn của kinh tế trong nước. Song, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là do những yếu kém của bản thân DN.
“Sống dở” trên đống hàng tồn kho
Một không khí im ắng bao trùm khuôn viên của Công ty CP Thép Sông Hồng (TP Việt Trì, Phú Thọ). Toàn bộ nhà máy sản xuất thép công suất 180 nghìn tấn/năm của công ty đã phải dừng hoạt động từ nhiều tháng nay, không còn bóng dáng công nhân nào trong nhà máy, thay vào đó là ngổn ngang sắt thép thành phẩm chất đống. Tổng Giám đốc Công ty Phạm Việt Cường cho biết, 250 công nhân của nhà máy buộc phải nghỉ chờ việc, hiện, công ty chỉ giữ lại một vài nhân viên để duy trì bộ máy văn phòng. Kết thúc năm 2011, DN này lỗ 134 tỷ đồng và bước sang năm 2012, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn không được cải thiện. Hiện, lượng thép tồn kho lên đến 12 nghìn tấn, tương đương khoảng 200 tỷ đồng, rồi các khoản công nợ cũng gần 100 tỷ đồng, chưa kể khoản vay ngân hàng 530 tỷ đồng. Thép sản xuất ra không tiêu thụ được cho nên công ty không trả kịp nợ ngân hàng, nhiều khoản nợ đã bị chuyển thành nợ quá hạn.”Nếu ngân hàng không hợp tác giúp đỡ thì chúng tôi sẽ buộc phải tuyên bố giải thể”.
Giống như Công ty CP Thép Sông Hồng, Công ty TNHH Tiên Sơn Thanh Hóa (Khu công nghiệp bắc Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã phải đóng cửa bốn xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ từ quý III năm 2011 với lượng sản phẩm tồn kho gần 6,5 triệu m2.”Sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho nên chúng tôi có giảm giá bán, thậm chí dưới giá thành để giải phóng hàng tồn kho cũng không ai mua. Vì vậy, DN chỉ còn cách duy nhất là chờ thị trường hồi phục” – Phó Tổng Giám đốc thường trực Lê Đăng Thuyết than thở. Trong khi đó, DN vẫn phải gánh chi phí khấu hao máy móc, nguyên vật tư, lãi vay ngân hàng, đào tạo chuyển nghề cho 160 lao động sản xuất gỗ mỹ nghệ này. Công ty TNHH Tiên Sơn Thanh Hóa có ba ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất gỗ mỹ nghệ, may công nghiệp và kinh doanh vận tải nhưng đến nay công ty chỉ hoạt động cầm chừng bằng ngành may công nghiệp.
Giải thể, đóng cửa sản xuất… là tình trạng chung của nhiều DN hiện nay trên địa bàn cả nước. Với những DN được coi là còn sống thì đang hoạt động cầm cự cùng lượng hàng tồn kho lớn.”Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không còn là vấn đề vốn nữa mà chính là đầu ra cho sản phẩm” – Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Hàm Rồng (Thanh Hóa) Lê Văn Hưng chia sẻ. Nhà máy sản xuất gạch Sơn Trang của Tổng công ty này có công suất 32 triệu viên/năm đang phải dừng sản xuất do lượng hàng tồn kho lên đến 10 triệu viên (bằng một phần ba công suất nhà máy). Các khoản vay cũ của DN này đã được đưa về lãi suất 15%/năm giúp DN giảm 30% chi phí vay vốn. Song, lượng hàng tồn kho của DN khá lớn cho nên vốn bị đọng lại, không quay vòng được, điều này cũng đồng nghĩa với việc DN vẫn phải chịu lãi suất cao. Không tiêu thụ được sản phẩm, DN càng không thể trả nợ ngân hàng khiến nợ xấu tăng, DN cũng không dám vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh cho dù lãi suất các khoản vay mới được ngân hàng đưa về mức 13%/năm. Cứ thế, vòng luẩn quẩn này đang ngày càng siết chặt DN.
“Chết” vì dựa quá nhiều vào vốn vay ngân hàng
Có thể thấy, những khó khăn nêu trên của các DN trong nước một phần là do những tác động của kinh tế thế giới. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, các DN nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới cho nên những biến động phức tạp, bất thường và bất lợi của kinh tế toàn cầu ngay lập tức ảnh hưởng tới các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước khó khăn, các cân đối vĩ mô thiếu bền vững, những yếu kém nội tại của nền kinh tế dần bộc lộ… đã khiến chính sách điều hành vĩ mô thời gian qua thay đổi liên tục, tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN. Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Sông Hồng Phạm Việt Cường cho rằng, chính sách tiền tệ thời gian qua được điều hành một cách giật cục, DN không thể”chạy” theo các chính sách điều hành vĩ mô của Nhà nước. Năm 2009, nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ, Thép Sông Hồng được hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng 4%. Thời điểm đó, do lãi suất thấp, tiếp cận vốn lại dễ dàng cho nên công ty tập trung vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đón đầu nhu cầu phát triển rầm rộ các dự án bất động sản. Thế nhưng đến năm 2010, rồi 2011, nhằm kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ lại chuyển hướng sang thắt chặt, DN phải chịu lãi suất vay ngân hàng có thời điểm lên đến 24%/năm. Cùng với đó, chính sách thắt chặt tài khóa, cắt giảm đầu tư công làm hàng loạt các công trình xây dựng, dự án bất động sản phải dừng thi công, kéo theo lượng thép tiêu thụ của công ty sụt giảm và cho đến nay, công ty hoàn toàn bế tắc.
Không chỉ vậy, việc điều hành và quản lý giá các mặt hàng thiết yếu cũng làm nhiều DN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Giám đốc Công ty liên doanh phân bón Hữu Nghị (Thanh Hóa) Lê Xuân Khuyến cho biết, từ đầu năm đến nay, chi phí xăng, dầu, điện, than tăng giá đã làm giá thành sản phẩm của công ty tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm khó khăn thì DN không thể tăng giá bán bởi nếu tăng giá thì càng không thể bán được hàng. Bảy tháng qua, sản lượng tiêu thụ NPK của công ty giảm 25%, doanh thu chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm 20% so cùng kỳ.
Những cú sốc từ bên ngoài như thị trường xuất khẩu bị thu hẹp hay giá nguyên, nhiên vật liệu trong nước và thế giới tăng, kinh tế trong nước gặp khó khăn, sức mua thị trường sụt giảm, sự thay đổi chính sách điều hành vĩ mô… đã dồn dập ập đến với DN Việt Nam trong những năm gần đây. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của các DN phần lớn là yếu cho nên chỉ cần một cú”sốc” nhỏ cũng khiến DN phải lao đao, chật vật. Sự đóng cửa, giải thể của không ít DN từ cuối năm 2011 đến nay cũng chính là hệ quả tất yếu của những DN có năng lực cạnh tranh yếu, không trụ lại được trên thị trường. Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, chưa tiếp cận được các nguồn vốn khác. Vay nhiều, lãi suất lại cao khiến chi phí đầu vào của DN tăng cao, càng làm giảm sức cạnh tranh của DN. Nhiều DN đã”chết sặc” khi Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, van tín dụng khóa lại, lãi suất ngân hàng dâng cao. Điển hình như Công ty CP Thép Sông Hồng vay ngân hàng tới 530 tỷ đồng, gấp hơn bốn lần vốn sở hữu của công ty và hiện công ty không còn khả năng trả nợ (cứ ngồi yên cũng phải trả ngân hàng 10 tỷ đồng/tháng), buộc phải”nằm chờ” các ngân hàng tái cơ cấu vốn.
Không chỉ vậy, theo thành viên HĐQT Công ty chứng khoán Thiên Việt Nguyễn Nam Sơn, những khó khăn mà DN Việt Nam đang gặp phải còn do hầu hết các DN đều thiếu chiến lược dài hạn, không nghiên cứu và dự báo thị trường dài hạn, phần lớn chỉ mải chạy theo thị trường, thay vì dẫn dắt thị trường trong khi quản trị DN lại yếu kém. Hội chứng kinh doanh ngân hàng, chứng khoán, bất động sản diễn ra rầm rộ từ nhiều năm qua thì đến nay, nhiều DN đã trả giá đắt khi bị giải thể, đóng cửa, sáp nhập. Hay phong trào kinh doanh đa ngành, đầu tư trái ngành, cơ hội, không dựa trên các năng lực cốt lõi cũng khiến nhiều DN thất bại. Công ty CP Prime Group (Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) từ ngành nghề kinh doanh ban đầu là sản xuất gạch ốp lát, sau nhiều năm hoạt động thành công, đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khác như sản xuất bình nước nóng, bất động sản (xây dựng khu đô thị và trung tâm thương mại)… Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án bất động sản của công ty đã phải tạm dừng hoặc chấm dứt, không hề sinh lời, thua lỗ mặc dù vốn đầu tư cho lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% tổng số vốn của DN này. Phó Tổng Giám đốc Mai Tất Thắng thừa nhận, mặc dù công ty có tiềm lực tài chính tốt, lúc đầu tư vào lĩnh vực này tính toán theo lý thuyết là đúng nhưng do không lường trước được khả năng thị trường bất động sản bị đóng băng cho nên mới thất bại. Chiến lược”đi bằng nhiều chân” của công ty giờ chỉ còn dựa chủ yếu vào ngành nghề kinh doanh chính ban đầu là sản xuất gạch ốp lát và cũng chính nhờ mảng kinh doanh này đến nay, công ty hoạt động vẫn có lãi, dù số lãi rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn nhận tình trạng số DN tạm ngừng sản xuất, giải thể gia tăng gần đây, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Đường Trọng Khang cho rằng, đây một phần là hệ quả của sự phát triển DN tự phát, khiến các DN trong cùng một ngành phải cạnh tranh khốc liệt với nhau do cung đã vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực và DN nào không đủ năng lực cạnh tranh, tất yếu bị loại bỏ khỏi thị trường. Lấy dẫn chứng nhiều DN thép, xi-măng rơi vào tình trạng”chết dở” như hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân nhấn mạnh, đó là bài học kinh nghiệm đắt giá cho những DN nào đầu tư theo phong trào, không có tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh. Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận công tác quản lý quy hoạch phát triển ngành, cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương chưa thực hiện chặt chẽ,”tiếp tay” cho tình trạng các DN thép, xi-măng ồ ạt ra đời, phá vỡ tính cân đối về sản phẩm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()