Ðầu tư phát triển y tế cơ sở vùng khó khăn
Ðến nay, Nghệ An là một trong những tỉnh có hệ thống y tế khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch rõ rệt giữa tuyến trên với mạng lưới y tế cơ sở, nhất là địa bàn miền núi vùng cao.
Ðến nay, Nghệ An là một trong những tỉnh có hệ thống y tế khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch rõ rệt giữa tuyến trên với mạng lưới y tế cơ sở, nhất là địa bàn miền núi vùng cao.
Trong nhiều chương trình, dự án đến năm 2015 và 2020, Nghệ An giành sự ưu tiên đầu tư củng cố và phát triển y tế cơ sở, nhằm vực dậy công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn.
Vượt qua hơn 20 km đường đèo dốc, cua “tay áo” mà phía ta-luy âm là vực sâu thăm thẳm, chúng tôi đến trung tâm xã Nậm Giải, huyện vùng cao biên giới Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Dọc đường vào xã, anh bạn đồng nghiệp lâu năm ở địa bàn này thỉnh thoảng chỉ cho tôi những dấu vết còn in hằn do trận lũ năm xưa, mà anh từng lăn lộn nắm tình hình viết bài, đưa tin. Ngồi ở phòng làm việc rộng rãi của trạm y tế xã, y sĩ Vi Thị Việt (dân tộc Thái), trưởng trạm giọng thủng thẳng nhẹ nhàng: Bây giờ thì nhà trạm khang trang hơn nhiều so cách đây hơn năm năm về trước, bởi lúc đó không chỉ cơ sở vật chất còn sơ sài mà trận lũ lịch sử cuối năm 2007 đã tàn phá các thôn bản, cướp đi 14 người cả già lẫn trẻ. Khoảng một tuần liền, trong điều kiện đường giao thông bị chia cắt, cán bộ nhân viên của trạm phân công nhau đến các thôn bản cấp phát thuốc, vận động người dân làm vệ sinh môi trường phun hóa chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh sau lũ… Từ đầu năm 2008 đến nay, nhờ sự hỗ trợ về công sức, giống cây trồng, vật nuôi; nhất là nghĩa cử của hơn 500 thanh niên tình nguyện trong tỉnh về xã Nậm Giải, giúp đồng bào các dân tộc khắc phục diện tích đất nông nghiệp (gần 60 ha) bị vùi lấp sau lũ, từng bước khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống. Ngoài chính sách của Nhà nước đối với địa phương thuộc diện 30A, những năm gần đây, Nậm Giải còn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, của Quân khu 4 và các tổ chức khác về trang thiết bị y tế và cấp phát thuốc chữa bệnh cho hàng trăm người/năm… Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, bác sĩ Mạc Ðăng Lâm, người nhiều năm lăn lộn, gắn bó với y tế tuyến cơ sở cho biết: Huyện có 14 xã, thị trấn thì phần lớn đến nay đã có trạm y tế kiên cố. Tuy nhiên một số trạm y tế được xây cách đây từ 15 đến 20 năm, nay đã hư hỏng xuống cấp; ngay phòng khám đa khoa khu vực Châu Thôn, hầu hết các phòng làm việc nếu có mưa xuống đều bị thấm dột. Trang thiết bị ở các trạm y tế phổ biến là nghèo nàn, lạc hậu; có nơi máy đo huyết áp hỏng hóc liên tục nhưng chưa được thay mới. Mùa mưa lũ, việc triển khai các chương trình y tế quốc gia xuống cơ sở như phòng, chống sốt rét, sốt xuất huyết còn nhiều khó khăn. Bởi các xã vùng biên giới như Thông Thụ, Trí Lễ, Nậm Giải từ trung tâm xã đến các bản, cán bộ nhân viên y tế phải đi bộ mất ba, bốn tiếng đồng hồ mới vào tận địa điểm làm việc…
Nghệ An là một trong những tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên (hơn 16 nghìn 491 km2). Ngoài TP Vinh, hai thị xã Cửa Lò và Thái Hòa, tỉnh Nghệ An có 17 huyện thì đã có đến 10 huyện miền núi, trong đó có ba huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn là Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Cũng do địa hình bị chia cắt, đường giao thông đi lại khó khăn (các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn về trung tâm tỉnh từ 200 đến 250 km), đời sống kinh tế của người dân các huyện miền núi tây Nghệ An còn nặng về tự cấp, tự túc. Cho nên diện hộ nghèo ở các huyện vùng cao biên giới và không ít xã thuộc các huyện Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương còn 60 đến 70%. Hàng chục năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và địa phương, Nghệ An có hệ thống y tế từ tỉnh xuống cơ sở khá hoàn chỉnh. Mạng lưới khám, chữa bệnh công lập có 12 bệnh viện tuyến tỉnh (bao gồm bệnh viện đa khoa và các bệnh viện chuyên khoa), 17 bệnh viện tuyến huyện, năm trung tâm chuyên khoa có giường bệnh và ba bệnh viện của các bộ, ngành đóng trên địa bàn. Sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Nghệ An là tỉnh khơi dậy phong trào xã hội hóa chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, với chín bệnh viện tư nhân (phần lớn tập trung ở TP Vinh); nâng số giường bệnh hiện nay đạt 22 giường/10 nghìn dân (trong đó công lập là 19,3 giường/10 nghìn dân, và ngoài công lập là 2,7 giường/10 nghìn dân). Mạng lưới y tế cơ sở đến thời điểm này, bên cạnh 17 bệnh viện đa khoa huyện, 20 phòng y tế (trực thuộc ủy ban nhân dân huyện), thì 19 trong số 20 trung tâm y tế huyện đang từng bước được đầu tư xây mới, hoặc nâng cấp cơ sở vật chất bằng các nguồn vốn 30A, ODA, ngân sách tỉnh… Riêng y tế tuyến xã, hiện Nghệ An có 480 trạm y tế, trung bình mỗi trạm có năm, sáu cán bộ nhân viên và năm giường phục vụ người bệnh điều trị nội trú; đồng thời có 22 phòng khám đa khoa khu vực đặt ở các trung tâm cụm xã (mỗi nơi có 10 đến 15 giường điều trị) với năng lực hoạt động thiếu sự đồng đều về chất lượng.
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An bác sĩ chuyên khoa 2, Bùi Ðình Long trao đổi với chúng tôi: Hệ thống y tế tuyến tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân (tuy Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường ở địa điểm mới, triển khai 10 năm nay chưa kết thúc). Còn mạng lưới y tế cơ sở nhất là khu vực miền núi, đặc biệt địa bàn vùng cao biên giới còn không ít hạn chế, bất cập. Không kể các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến huyện (theo Quyết định 930/QÐ-TTg và Quyết định 47/QÐ-TTg) với nguồn vốn bố trí hằng năm “nhỏ giọt” đã ảnh hưởng tiến độ cũng như hoạt động của các đơn vị đã đành, hàng chục phòng khám đa khoa khu vực (điển hình như Phòng khám Châu Thôn, huyện Quế Phong) nhiều năm qua do thiếu sự quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho nên hoạt động kém hiệu quả. Trung tâm y tế huyện Quế Phong thiếu hơn mười người, riêng các bệnh viện đa khoa huyện thiếu trầm trọng cán bộ các chuyên khoa tâm thần, da liễu, nội tiết. Các bác sĩ ở địa bàn này chủ yếu được đào tạo theo hệ “cử tuyển” hoặc chuyên tu. Tình trạng đội ngũ cán bộ tuyến huyện miền núi lâu nay vừa thiếu và yếu đang là nỗi băn khoăn của những người làm công tác quản lý ngành y tế ở Nghệ An. Với các nguồn vốn khác nhau, gần 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh xây được 147 trạm y tế với tổng kinh phí 244,35 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ trạm y tế kiên cố và bán kiên cố chiếm khoảng 60%, số còn lại là nhà cấp bốn hoặc bằng gỗ đã và đang xuống cấp nặng…
Theo Giám đốc Sở Y tế Bùi Ðình Long, cùng với việc tiếp tục triển khai, thực hiện một số chương trình, đề án như: Ðề án xây dựng Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại TP Vinh, quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh Nghệ An giai đoạn từ năm 2011 đến 2020; Ðề án phát triển nguồn nhân lực bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học ngành y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn từ năm 2012 đến 2020… tỉnh cũng đang có chủ trương tăng cường đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 – 2015. Dự toán nguồn ngân sách đầu tư cho chương trình này hơn 340 tỷ đồng. Theo phương châm ưu tiên cho địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong hai năm 2013 – 2014, ngành y tế tỉnh phối hợp các địa phương đầu tư cho hai xã chưa có trạm y tế ở Nghĩa Ðàn, xây mới các trạm đã xuống cấp nghiêm trọng ở các huyện Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Mặt khác, nâng cấp các công trình phụ trợ (nhà bếp, giếng nước, tường rào, vườn cây thuốc nam) và bổ sung các dụng cụ thiết yếu cho hơn một trăm trạm y tế khác trong tỉnh. Ðồng thời đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế cho 13 phòng khám đa khoa khu vực tại các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Thanh Chương, Tương Dương đang xuống cấp ở mức báo động… Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh Nghệ An có 80% trạm y tế và 100% phòng khám đa khoa khu vực có đủ các phòng chức năng và thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó 60% số xã trong toàn tỉnh đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tuy nhiên để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nhất là địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, vấn đề trước hết là cấp có thẩm quyền cần đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; khơi dậy phong trào xã hội hóa bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trong đồng bào các dân tộc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()