Đầu tư phát triển thương hiệu
LSO-Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Lạng Sơn đã xây dựng được nhiều thương hiệu giá trị, lọt vào tốp 10 và tốp 100 thương hiệu được ưa chuộng và nổi tiếng Việt Nam, khẳng định được vị trí trên thị trường trong nước và khu vực.
Công nhân Công ty cổ phần chè Thái Bình thu hoạch chè |
Trong xu thế hội nhập, việc đầu tư xây dựng thương hiệu là một trong những vấn đề sống còn để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kết quả của cuộc điều tra mới đây do Cục Xúc tiến thương mại thực hiện cho thấy, thương hiệu xếp thứ 3 trong các tiêu chí lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam, sau chất lượng, uy tín và trước giá cả. Đây là lý do khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp tính đến việc xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu, nhằm đẩy mạnh việc cạnh tranh trên thị trường.
Ông Hoàng Huy Hiển, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp và Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ là hết sức quan trọng và cần thiết, bởi vì nó không những giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mà còn khẳng định uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Đồng thời, thương hiệu tốt sẽ là điểm tựa giúp doanh nghiệp giải quyết những vấn đề phát sinh khi xảy ra tranh chấp trong bối cảnh nhiều đơn vị cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực đang có sự cạnh tranh cao độ nhằm chiếm lĩnh thị phần. Thực tế, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ kiện tụng, khiếu nại liên quan đến thương hiệu. Gần đây nhất là vụ tranh chấp liên quan đến thương hiệu rượu vùng cao Mẫu Sơn. Do vậy, những năm gần đây, các doanh nghiệp Lạng Sơn đã quan tâm và đầu tư phát triển thương hiệu.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2011 đến hết năm 2014 Sở đã tư vấn và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho gần 150 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Riêng quý I/2015, Sở đã tư vấn hỗ trợ đăng ký cho 6 đơn vị. Đặc biệt, trong năm 2014, Lạng Sơn có hai doanh nghiệp vinh dự được cấp chứng thư thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2014. Trong đó, Công ty Cổ phần Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn, Xí nghiệp rượu Mẫu Sơn thuộc top 10 nhãn hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực đồ uống. Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu nông lâm sản Lạng Sơn thuộc top 100 nhãn hiệu nổi tiếng.
Cùng với việc chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa, thời gian qua, doanh nghiệp Lạng Sơn đã đầu tư quảng bá sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu tại thị trường nhiều nước trên thế giới và đã gặt hái được nhiều thành công, nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh đã chen chân được vào những thị trường phát triển và khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa. Như sản phẩm hoa hồi, tinh dầu hồi đã có mặt tại thị trường các nước Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản…; ván gỗ ép của Công ty Cổ phần Thịnh Lộc – Shinec đã xuất qua nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ; sản phẩm chè Ô Long của Công ty Cổ phần Chè Thái Bình đã khẳng định được thương hiệu tại các thị trường vốn khó tính như Đài Loan, Nhật Bản…
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: trong những năm gần đây, doanh nghiệp Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, một vấn đề quan trọng là đầu tư phát triển thương hiệu đã được doanh nghiệp quan tâm. Các doanh nghiệp không ngại chi phí quảng cáo, quảng bá hình ảnh, mạnh dạn đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất. Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, Hiệp hội đã có những doanh nghiệp hội viên xây dựng được thương hiệu tầm cỡ quốc gia và khu vực như Công ty TNHH Bảo Long, Công ty TNHH Thành Long… Với đà phát triển như hiện nay, trong thời gian tới, Doanh nghiệp Lạng Sơn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, sẽ có thêm nhiều thương hiệu tên tuổi trên thị trường, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế – xã hội tỉnh nhà.
ANH DŨNG
Ý kiến ()