Thứ 6, 07/02/2025 09:14 [(GMT +7)]
Đầu tư nước ngoài: Bức tranh còn thiếu sắc màu
Thứ 5, 06/09/2012 | 14:49:00 [(GMT +7)] A A
Đầu tư từ nước ngoài là một yếu tố hết sức quan trọng để thu hút nguồn lực, mở rộng hợp tác quốc tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo ông Lê Minh Thanh, để vực dậy các dự án đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này, cần nhất là quảng bá hình ảnh thu hút đầu tư của Lạng Sơn ra bên ngoài; rà soát và quy hoạch lại danh mục đầu tư để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư; công bố rộng rãi quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhanh; tăng cường xúc tiến, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng trong đầu tư.
LSO-Hơn 20 năm qua, đã có 69 dự án đầu tư từ nước ngoài vào Lạng Sơn góp phần phát huy khai thác các nguồn lực để phát triển. Thế nhưng tới nay, hầu hết các dự án được triển khai cầm chừng, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án “chết” ngay từ khi cấp phép đầu tư đã tạo hiệu ứng trầm trong đầu tư. Để vực dậy các dự án, tốt nhất là tạo môi trường đầu tư đồng bộ.
Khu nhà thương mại Dự án sân gôn Hoàng Đồng
thi công hoàn thiện cầm chừng – Ảnh: Thế Bảo
Thời lên ngôi
Có thể nói Lạng Sơn là một tỉnh sớm thu hút đầu tư nước ngoài. Ngay khi chưa có Luật Đầu tư, rất nhiều doanh nhân Trung Quốc đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Năm 1991, Lạng Sơn thu hút được doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên với ngành nghề chế biến gỗ xuất khẩu, vốn đăng ký 96.000 USD. Từ đó đến nay Lạng Sơn đã thu hút 69 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 304 triệu USD. Những dự án này chủ yếu là từ Trung Quốc. Ngay sau khi dự án đầu tiên hoạt động đã góp phần quảng bá hình ảnh Lạng Sơn ra bên ngoài. Các doanh nhân nước ngoài sau một thời gian tìm hiểu, thăm dò đã ồ ạt đầu tư vào giai đoạn 2001- 2010. Trong vòng 10 năm, toàn tỉnh cấp phép đầu tư cho 57 dự án. Rất nhiều ngành nghề được khai thác ở giai đoạn này như chế biến gỗ, thực phẩm, lắp ráp, khai thác chế biến quặng, bất động sản, vận tải, xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, thương mại, trồng rừng… Số vốn đầu tư cũng không ngừng tăng như Dự án sân gôn Hoàng Đồng tổng đầu tư trên 51 triệu USD, Dự án trồng rừng nguyên liệu gỗ cao cấp của Công ty InnovGreen 50 triệu USD. Vào giữa những năm 2004- 2006, số lượng thương nhân nước ngoài đến Lạng Sơn đầu tư tăng vọt. Thành công ấy là sự nỗ lực của tỉnh trong quảng bá, thu hút các nhà đầu tư. Nó đã mang lại hiệu quả nhất định trong giao lưu kinh tế, văn hóa, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Và hơn thế là những bài học về thu hút đầu tư nước ngoài.
Thời xuống dốc
Cuối năm 2007, cũng là lúc Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước. Lúc này, việc thu hút các dự án đầu tư là hết sức khó khăn. Phần vì các nhà đầu tư cầm chừng, phần vì một số tỉnh bạn như Bắc Giang, Bắc Ninh có điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở hạ tầng, mặt bằng cho thu hút đầu tư nên họ đã chiếm được lợi thế. Vì thế, đầu tư của nước ngoài vào Lạng Sơn có xu hướng giảm dần. Các dự án đã đầu tư cũng hoạt động cầm chừng. Trong 69 dự án đã được cấp phép thì đến 1/8/2012, toàn tỉnh có 39 dự án đã hết hiệu lực thực hiện, chấm dứt thực hiện trước thời hạn do không hiệu quả, vi phạm Luật Đầu tư. Cho đến nay toàn tỉnh còn 30 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 240,9 triệu USD. Trong đó chỉ có 16 dự án hoạt động ổn định, còn lại các dự án khác chậm tiến độ, tạm dừng hoạt động hoặc không thể triển khai được. Theo ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân trực tiếp ở đây là do suy thoái kinh tế, không riêng gì Lạng Sơn giảm đầu tư mà các tỉnh khác lợi thế hơn cũng trong tình trạng này. Điều ấy khiến cho suốt từ cuối năm 2010 đến nay, cả tỉnh không triển khai được dự án đầu tư nước ngoài nào.
Sản xuất cửa nhựa ở Công ty Hưng Long vốn đầu tư nước ngoài
Cần vực dậy
Đầu tư từ nước ngoài là một yếu tố hết sức quan trọng để thu hút nguồn lực, mở rộng hợp tác quốc tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo ông Lê Minh Thanh, để vực dậy các dự án đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này, cần nhất là quảng bá hình ảnh thu hút đầu tư của Lạng Sơn ra bên ngoài; rà soát và quy hoạch lại danh mục đầu tư để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư; công bố rộng rãi quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhanh; tăng cường xúc tiến, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng trong đầu tư.
Đông Bắc
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()