Ðầu tư nhiều mà vẫn bất cập
Nước ngập sâu trên phố Lý Thường Kiệt sau trận mưa chiều 14-6. Ảnh: QUÝ TRUNG (TTXVN) Cơn mưa lớn trên diện rộng chiều 14-6 đã nhấn chìm nhiều đường phố Hà Nội trong biển nước. Ngập úng, tắc đường... là tình cảnh người dân Thủ đô phải chịu đựng sau cơn mưa lớn nhất từ đầu mùa mưa đến nay. Người dân Thủ đô rất bức xúc về hiệu quả của dự án thoát nước Hà Nội, cũng như những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng hạ tầng đô thị của thành phố thời gian qua.Vì sao đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vẫn ngập ?Trận mưa chiều 14-6 có thể coi là trận mưa lớn nhất từ đầu mùa mưa đến nay. Theo số liệu của Công ty Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại Vân Hồ là 91mm, tại Hồ Tây là 106 mm; tại Thanh Liệt là 61mm... Sau khi mưa to khoảng một giờ đồng hồ, nước mưa không tiêu thoát kịp, dâng lên trên các đường phố, gây ngập úng sâu tại hàng chục khu vực trong nội thành, gồm: ngã tư Lý Thường Kiệt -...
Nước ngập sâu trên phố Lý Thường Kiệt sau trận mưa chiều 14-6. Ảnh: QUÝ TRUNG (TTXVN) |
Vì sao đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vẫn ngập ?
Trận mưa chiều 14-6 có thể coi là trận mưa lớn nhất từ đầu mùa mưa đến nay. Theo số liệu của Công ty Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại Vân Hồ là 91mm, tại Hồ Tây là 106 mm; tại Thanh Liệt là 61mm… Sau khi mưa to khoảng một giờ đồng hồ, nước mưa không tiêu thoát kịp, dâng lên trên các đường phố, gây ngập úng sâu tại hàng chục khu vực trong nội thành, gồm: ngã tư Lý Thường Kiệt – Phan Bội Châu; Lê Duẩn; Thái Hà; ngã tư Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương; ngã tư Trần Hưng Đạo – Phan Chu Trinh; Ngọc Khánh; Đội Cấn; Núi Trúc, ngã năm Bà Triệu – Nguyễn Du; ngã ba Nguyễn Công Trứ – Ngô Thì Nhậm; Nguyễn Trãi; Lĩnh Nam; Trương Định; Giải Phóng; Tam Trinh; Khâm Thiên; Xã Đàn, Nguyễn Khuyến; Nguyễn Lương Bằng; Lê Trọng Tấn; Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ; Quốc Tử Giám; Trường Chinh…
Trên phố Thái Thịnh, một số đoạn nước ngập ngang yên xe máy. Nhiều người dân nhà mặt phố đặt các vật dụng để chắn nước tràn vào nhà. Tuy nhiên, việc làm của họ không chống đỡ được những “trận sóng” mỗi khi ô-tô đi qua. Khu vực phố cổ mọi khi thoát nước rất tốt, mà lần này cũng chịu cảnh ngập lụt. Các phố Phùng Hưng, Đường Thành, Cầu Gỗ, Đinh Liệt… biến thành những “dòng sông” nhỏ, mọi hoạt động kinh doanh đình trệ. Đáng lo ngại nhất là các điểm ngập úng mới phát sinh tại các tuyến đường: Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm (trên tuyến vành đai 3), Minh Khai (khu vực chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Hữu Thọ (đoạn vào khu đô thị Linh Đàm). Nước ngập mênh mông, không biết đâu là đường, đâu là hè phố. Phần lớn các xe máy không biết tìm các đường tránh, cố đi qua quãng đường ngập đều bị chết máy. Lực lượng lau, chùi bu-gi xe máy bội thu, giá dịch vụ này là 30 nghìn đồng/lần và không có chuyện mặc cả. Các xe ô-tô gầm thấp, vừa đi vừa phải tát nước trong xe ra ngoài. Mưa to gây úng ngập, cho nên tắc đường là điều không tránh khỏi, cả ở tuyến đường bị ngập và những tuyến không ngập, nhất là tuyến đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn bị ùn tắc giao thông nhiều giờ liền.
Đường làm xong, nhưng không bàn giao hệ thống thoát nước
Năm 1995, Quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trị giá 1 tỷ 162 triệu USD, thực hiện cải tạo thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, lưu vực sông Nhuệ và xử lý nước thải. Từ năm 1998 đến 2005, dự án cải tạo thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 (phần lưu vực sông Tô Lịch), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD đã được triển khai, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập trong khu vực bốn quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và một phần địa bàn huyện Từ Liêm, Thanh Trì khi có lượng mưa 172 mm/hai ngày.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục của dự án giai đoạn 1, từ năm 2006 đến nay, thành phố tiếp tục triển khai dự án thoát nước giai đoạn 2. Cho đến nay, một số hạng mục như nâng cấp trạm bơm Yên Sở lên 90 m3/giây, cải tạo các hồ Bẩy Mẫu, Hố Mẻ, Hào Nam, Đống Đa đã hoàn thành và đưa vào phục vụ công tác thoát nước mùa mưa năm nay. Người dân Thủ đô rất kỳ vọng, sau khi thành phố đã đầu tư dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước trị giá hàng trăm triệu USD, chưa kể hằng năm, đầu tư hàng tỷ đồng để thi công các công trình thoát nước cục bộ, người dân sẽ thoát khỏi cảnh bì bõm lội nước mỗi khi mưa to. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Chính điều này gây bức xúc cho người dân, vì cho rằng hiệu quả của dự án chưa như mong đợi.
Đại diện Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết, hiện tại, các hạng mục của dự án thoát nước được đưa vào sử dụng an toàn, giải quyết tình trạng úng ngập khu vực nội thành khi có lượng mưa 172 mm/hai ngày, tương ứng với lượng mưa 36 mm/giờ, đúng như mục tiêu dự án. Đối với trận mưa lớn hơn cường độ thiết kế thì dự án không thể chống chọi được. Trận mưa chiều 14-6 có tổng lượng mưa lên đến hơn 100 mm trong vòng hơn một giờ, là trận mưa kỷ lục, vượt gấp ba lần công suất thiết kế của dự án, cho nên hệ thống tiêu thoát nước của Hà Nội quá tải, gây ngập úng trong nội thành. Ban Quản lý dự án cho biết thêm, ngay cả khi giai đoạn 2 của dự án hoàn thành, cũng chỉ bảo đảm giải quyết tình trạng úng ngập khi có lượng mưa 310 mm/hai ngày, tương ứng với lượng mưa là 70 mm/giờ.
Ngoài nguyên nhân do lượng mưa quá lớn, vượt quá công suất thiết kế, có một số nguyên nhân chủ quan khác gây ra tình trạng úng ngập tại các khu vực nêu trên. Đó là do việc thi công một số công trình thoát nước dây dưa, kéo dài, làm cản trở tiêu thoát nước. Tuyến mương Thái Hà – Thái Thịnh – Láng, đóng vai trò rất quan trọng trong công tác thoát nước địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, nhưng qua nhiều năm thi công vẫn chưa hoàn chỉnh, chính vì vậy, khiến khu vực Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương và tuyến đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn bị ngập. Một số nơi khác như ở phố Nguyễn Đức Cảnh, Thái Thịnh lại bị ngập, do hệ thống thoát nước trên tuyến này đang được thi công cải tạo. Các điểm úng ngập mới phát sinh trên các tuyến đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm (trên tuyến vành đai 3), Minh Khai (khu vực chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Hữu Thọ (đoạn vào khu đô thị Linh Đàm) lại do những chủ đầu tư các dự án làm đường chưa bàn giao các công trình thoát nước cho cơ quan chuyên ngành quản lý, công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cống chưa được làm thường xuyên, gây úng ngập. Một số đơn vị trong quá trình thi công để bùn đất, phế thải trùm lấp miệng ga thu nước, làm giảm khả năng tiêu thoát nước khi mưa. Nhiều hồ trong nội thành đang được thi công cải tạo, chưa phát huy được việc điều hòa nước khi mưa to… Trong khi đó, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 mới hoàn thành một vài hạng mục, cho nên chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu.
Mặc dù vậy, người dân Hà Nội cũng ghi nhận những nỗ lực to lớn của cán bộ, công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội. Chiều 14-6, đơn vị vận hành hết công suất trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác; đồng thời đặt các tổ bơm di động tại các khu vực trũng; vận hành cửa điều tiết để khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ nội thành đã được cải tạo, huy động 100% số cán bộ, công nhân viên ứng trực, xử lý các vật cản trên dòng chảy. Đồng thời, công ty phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành các trạm bơm nông nghiệp như Đông Mỹ, Siêu Quần… để hỗ trợ thoát nước cho nội thành. Chính vì vậy, thời gian úng ngập đã được rút ngắn rất nhiều so với trước. Sau khi mưa ngớt từ 30 phút đến 1 giờ, một số điểm úng ngập đã rút hết nước, người dân có thể đi lại được.
Theo dự báo, thời tiết năm nay diễn biến bất thường, mưa bão nhiều. Việc khắc phục những bất cập của hệ thống thoát nước là yêu cầu bức thiết, khi địa giới hành chính Thủ đô đã được mở rộng, dân số đông, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Người dân Thủ đô mong thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình thoát nước đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, khắc phục những bất cập nêu trên, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng úng ngập, tắc đường mỗi khi xảy ra mưa lớn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()