Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện các nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp những cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và quản lý nhân lực để đáp ứng kịp thời cho việc tăng nhanh dân số và lao động tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp cũng như tăng nhanh số thu, số chi trả cũng như giải quyết chế độ cho người lao động. Cụ thể là các mô hình về tổ chức thực hiện chính sách BHXH, mô hình tổ chức chính sách BHXH và BHYT; mô hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH tự nguyện và hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng như ở cấp địa phương theo hướng chuyên môn hóa sâu, chuyên nghiệp hơn và nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm của các cấp quản lý. Việc quản lý lao động theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh đã được thực hiện xuyên suốt trong các khâu từ tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo nâng cao trình độ đến khâu đề bạt bổ nhiệm, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lao động của ngành.
Đồng thời, cơ quan BHXH Việt Nam cũng thường xuyên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, cải tiến, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ cũng như các thủ tục hồ sơ, giấy tờ có liên quan nhằm bảo đảm tính khoa học và hợp lý của từng quy trình nghiệp vụ, sự phối hợp giữa các quy trình. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý đã giúp cho ngành BHXH cung cấp các dịch vụ, phục vụ tốt hơn cho người tham gia cũng như việc quản lý đối tượng hiệu quả hơn.
Trong những năm gần đây, BHXH Việt Nam chú trọng việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong toàn ngành. Hiện nay, những nghiên cứu và ứng dụng về kê khai đăng ký tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp trực tuyến đã góp phần tích cực vào việc giảm thời gian giao dịch và đi lại nhiều lần đối với cá nhân và tổ chức tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp, tiết kiệm được chi phí và thời gian cho xã hội. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồng bộ các phần mềm quản lý của ngành từ khâu thu, cấp phát sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ… đã giúp cho công tác quản lý được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác hơn.
BHXH một số địa phương đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT; các quy trình nghiệp vụ cũng như quản lý tiến độ giải quyết hồ sơ trên hệ thống mạng in-tơ-nét nhằm tạo thuận lợi, hạn chế việc đi lại cho người lao động và doanh nghiệp.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi cho rằng: Để có được hệ thống an sinh xã hội tương đối hoàn chỉnh như hiện nay là cả một quá trình nghiên cứu, xây dựng, biên soạn rất công phu, khoa học, tập hợp được nhiều kiến thức, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, trong đó KHCN có vai trò hết sức quan trọng và không thể phủ nhận. Có thể nói, đối với lĩnh vực BHXH, BHYT, công tác nghiên cứu khoa học đã đóng góp đáng kể trong việc đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn giúp các cơ quan chức năng xây dựng, hoạch định, sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, theo đồng chí Đặng Như Lợi, hiện vẫn còn khá nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp quy luật mà nhiều nước trên thế giới đã từng trải qua và thực hiện thành công. Nếu KHCN được chú trọng, quan tâm một cách hợp lý, thì chắc chắn những bất cập, hạn chế về chế độ chính sách sẽ dần được khắc phục, tiến tới hoàn thiện và phát triển trong tương lai.
Khẳng định vai trò của KHCN trong việc phát triển BHXH, BHYT tại Việt Nam, Viện Trưởng Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) Lưu Viết Tĩnh cho biết: Nghiên cứu về BHXH, BHYT là nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu trong tiến trình đổi mới và phát triển của BHXH Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội đồng khoa học của ngành sẽ tiếp tục tư vấn, tham mưu cho Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ đạo đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng: Tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; đổi mới mô hình thực hiện chính sách theo hướng hiện đại, tiên tiến, bảo đảm phục vụ ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, cần tăng cường nghiên cứu, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật BHXH, Luật BHYT và đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, thông tin kết quả nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài nhằm phục vụ cho việc xây dựng chính sách ở Việt Nam; phát động sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT.
Ý kiến ()