LSO-Được phê duyệt đầu tư từ đầu năm 2009, trong gần 2 năm qua, ngành y tế và huyện Chi Lăng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng. Song do nhiều nguyên nhân, do “vênh” trong triển khai xây dựng và đầu tư trang thiết bị nêncác công trình vẫn chưa phát huy được tác dụng…Phòng khám Đa khoa khu vực ( ĐKKV)- mừng và loPhòng khám ĐKKV được ví như “cánh tay nối dài” của Bệnh viện Trung tâm huyện. Chi Lăng có 3 phòng khám ĐKKV tại các điểm Bằng Mạc, Chiến Thắng và thị trấn Chi Lăng. Với chương trình nâng cấp mở rộng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, đến nay phòng khám ĐKKV Bằng Mạc đã hoàn thiện với quy mô 26 phòng với tổng số vốn xây lắp trị giá 5 tỷ đồng nhằm phục vụ công tác khám và điều trị cho khoảng 10 ngàn dân khu vực 7 xã phía Tây- Tây Nam huyện. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ có vậy, do chưa có “nguồn” nên phòng khám này cũng chỉ biết…nằm chờ.Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Giám đốc...
LSO-Được phê duyệt đầu tư từ đầu năm 2009, trong gần 2 năm qua, ngành y tế và huyện Chi Lăng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng. Song do nhiều nguyên nhân, do “vênh” trong triển khai xây dựng và đầu tư trang thiết bị nêncác công trình vẫn chưa phát huy được tác dụng…
Phòng khám Đa khoa khu vực ( ĐKKV)- mừng và lo
Phòng khám ĐKKV được ví như “cánh tay nối dài” của Bệnh viện Trung tâm huyện. Chi Lăng có 3 phòng khám ĐKKV tại các điểm Bằng Mạc, Chiến Thắng và thị trấn Chi Lăng. Với chương trình nâng cấp mở rộng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, đến nay phòng khám ĐKKV Bằng Mạc đã hoàn thiện với quy mô 26 phòng với tổng số vốn xây lắp trị giá 5 tỷ đồng nhằm phục vụ công tác khám và điều trị cho khoảng 10 ngàn dân khu vực 7 xã phía Tây- Tây Nam huyện. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ có vậy, do chưa có “nguồn” nên phòng khám này cũng chỉ biết…nằm chờ.
|
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho rằng, việc quyết định xây lắp để nâng cấp phòng khám này là phù hợp với thực tế để làm tròn nhiệm vụ của một tuyến kỹ thuật theo quy định và giúp đỡ các trạm xá của các xã về năng lực chuyên môn và tham gia phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, việc đưa phòng khám vào hoạt động là rất cấp thiết trong tình hình mà bệnh viện trung tâm đang quá tải như hiện nay. Trung tâm đang có “ý tưởng” chuyển một số trang thiết bị của BV huyện cho phòng khám này. Biết rằng, nếu làm như vậy cũng là sự “cực chẳng đã”, nhưng “kêu” trên, trên chưa “cho” thì hoạt động thế nào?
Được đầu tư từ năm 1995, Phòng khám ĐKKV xã Chiến Thắng được xây dựng nhằm phục vụ khám và điều trị cho trên 5 ngàn dân các xã khu vực phía đông. Qua quá trình hoạt động, nó đã phát huy tác dụng trong điều kiện đường xá ra trung tâm huyện rất khó khăn. Tuy nhiên trải qua 15 năm tại khu vực khí hậu khắc nghiệt, phòng khám này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự đầu tư kịp thời.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của nhân dân các xã và thị trấn phía nam và khu công nghiệp Đồng Bành, sự cần thiết phải “nâng giường” phòng khám ĐKKV thị trấn Chi Lăng. Trong quy hoạch của mình, thị trấn đã tính đến đặc điểm này và đã dành quỹ đất cho xây dựng để đón đợi đầu tư.
Trung tâm Y tế huyện: công trường và… bệnh viện
Ngày 27/9/2010, chúng tôi đến BV Chi Lăng mà tưởng nhầm là đi vào một công trường lớn. Giữa sân, cùng với đá cát đổ thành đống cao là ngổn ngang vôi vữa, một chiếc máy xúc to kềnh nằm án ngữ ngay lối ra vào; hàng trăm bệnh nhân và người nhà của họ, người đứng người ngồi, người nằm dài trên chiếc ghế đá đầy bụi cát. Một người nhà bệnh nhân quê trong Y Tịch cho chúng tôi biết “Đi thăm và chăm sóc người nhà, nhưng chỉ vào phòng điều trị đứng được một lát rồi lại phải nhường chỗ cho người khác”. Vào khu điều trị chúng tôi mới cảm nhận được nỗi khổ của bệnh nhân và người nhà của họ. Trong căn phòng bé tí tẹo, 8 cái giường, 16 bệnh nhân cộng với số người nhà gấp đôi chừng ấy. Cơn gió mát của đợt không khí lạnh đầu tiên trong năm cũng không thể làm vơi đi sự ngột ngạt của mùi mồ hôi, mùi cồn, thuốc tân dược, mùi cháo hành cộng với mùi vôi vữa. Ngay bên cạnh, các chú thợ đang “vào” cốt sắt với tiếng búa, tiếng sắt thép chói tai. Ngoài hành lang, hàng chục người mỏi mệt ngồi tạm trên những chiếc ghế cũ, lưng tựa hờ trên thành lan can và những chiếc cột gạch chưa kịp trát.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng quây tạm tại khu phòng mổ, đồng chí Giám đốc bệnh viện chỉ tay ra nơi có những chiếc cọc đóng dở, giải thích rằng, ngoài kia là “giai đoạn 1” với quy mô nhà 5 tầng; bên phải là khu Khám bệnh, bên trái là khu Điều trị- Lây, trước mặt là khu Chống nhiễm khuẩn. Nói là “giai đoạn 1- giai đoạn mở rộng, xây mới”, nhưng khi thi công mới biết là “ tính dở”bởi vì nếu làm giai đoạn 1 với khu nhà 5 tầng, thì toàn bộ BV đã bị bịt lối ra vào. Vì vậy, người ta vừa thi công “ giai đoạn 1”lại vừa phải “làm” “giai đoạn 2”. Thế là bụi, rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt do bệnh nhân vứt cứ theo “cấp số cộng” của “tiến độ” thi công cả hai “giai đoạn”.
|
Trao đổi với nhà thầu xây lắp là Công ty Đô Thành, chúng tôi được giải thích nguyên nhân chậm là do mặt bằng quá chật hẹp, không thể huy động nhân lực và máy móc để thi công theo lối “tổng lực”. Nhưng theo nhận xét của nhiều người, chính là sự “chồng chéo”, bất hợp lý của phương án thi công các giai đoạn đã gây nên cảnh cả bệnh nhân và bác sĩ bị đày ải như thế này.
Về trang thiết bị, tuy đã được trang bị một số máy mới và đang đưa vào sử dụng như xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu, điện giải đồ, máy thở, gây mê…song với điều kiện môi trường luôn bị ô nhiễm như thế này, không ai dám đảm bảo sự chính xác trong xét nghiệm, điều trị cũng như tuổi thọ của máy móc.
Vẫn biết là vừa thi công vừa hoạt động, bệnh viện sẽ rất khó xoay xở, song nếu có phương án khoa học và hợp lý sẽ giảm thiểu được tình trạng vừa chậm, vừa rối như hiện nay.
Minh Hồng
Ý kiến ()