Đầu tư, mở rộng quy mô các dự án bauxite
Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành thẩm định đề xuất nâng công suất hai dự án bauxite tại Tây Nguyên cũng như mở rộng quy mô các dự án khai thác, chế biến quặng bauxite để bảo đảm mục tiêu phát triển dài hạn.
Một góc Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông). |
Theo đánh giá tổng kết của Bộ Công thương báo cáo Chính phủ, hai dự án trên đã bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội theo yêu cầu của Bộ Chính trị, góp phần đáng kể trong tăng trưởng GRDP, tăng nguồn thu ngân sách hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và lan tỏa khu vực Tây Nguyên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hiệu quả kinh tế cao
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải nhận định, sau hơn 15 năm triển khai đầu tư hai dự án bauxite ở khu vực Tây Nguyên gồm Tổ hợp dự án bauxite-nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), công suất mỗi dự án 650 nghìn tấn alumin/năm, đến nay có thể khẳng định, cả hai dự án đều đạt hiệu quả kinh tế cao. “Tuy hai dự án này là thí điểm nhưng có quy mô vốn lớn nhất ngành khai thác, chế biến khoáng sản từ trước đến nay (trừ dầu khí), có kỹ thuật-công nghệ phức tạp và lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả cũng như tận dụng cơ sở hạ tầng đã đầu tư, TKV kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, nâng công suất mỗi dự án lên 800 nghìn tấn alumin/năm”, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải cho hay. Đến năm 2035, dự kiến TKV sẽ đầu tư gần 120.500 tỷ đồng để phát triển khoáng sản bauxite tại Đắk Nông.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2017, tính đến hết tháng 8 vừa qua, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV đã thực hiện sản xuất được gần 3,5 triệu tấn alumin quy đổi; doanh thu hơn 29 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 910 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 3.100 tỷ đồng; lương bình quân của công nhân, lao động đạt 11,5 triệu đồng/người/tháng. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn, TKV đang gặp một số vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, khó khăn lớn nhất là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, sử dụng đất sau khai thác bauxite,… TKV đề nghị tỉnh Đắk Nông phối hợp rà soát, xây dựng “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. TKV và tỉnh Đắk Nông cần hoạch định lại sáu mỏ bauxite đã phân bổ, tính toán số lượng dự án triển khai và tổng hợp, báo cáo Bộ Công thương.
Hiện tại, TKV đã hoàn thành việc thăm dò, phê duyệt trữ lượng 12 mỏ bauxite ở Đắk Nông và Lâm Đồng, tổng trữ lượng tài nguyên đạt 3,2 tỷ tấn quặng nguyên khai. Thời điểm này, TKV mới được cấp phép khai thác 260 triệu tấn của hai mỏ Tân Rai và Nhân Cơ. Do đó, TKV kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm thẩm định, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để làm cơ sở giúp tập đoàn triển khai các dự án khai thác, chế biến quặng bauxite ở Tây Nguyên. Mặt khác, cùng với quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, một loạt quy hoạch ngành khác như than, quặng sắt, titan cũng hết kỳ quy hoạch. Mặc dù Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh kéo dài thời hạn các quy hoạch đã hết kỳ và giao các bộ, địa phương lập quy hoạch cần điều chỉnh, nhưng đến nay các quy hoạch (điều chỉnh) vẫn chưa được phê duyệt. Vì thế, TKV cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch than, quy hoạch bauxite,… để TKV có cơ sở pháp lý thực hiện.
Phát triển bền vững ngành khai khoáng
Với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn bauxite nguyên khai, Đắk Nông có lợi thế tự nhiên đặc biệt quan trọng trong việc thu hút phát triển ngành công nghiệp alumin. Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án thí điểm của ngành khai thác chế biến quặng bauxite để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm. Dự án có quy mô lớn, tác động đến việc thúc đẩy kinh tế-xã hội cho địa phương, khu vực và ở cả quy mô quốc gia. Trong 8 tháng năm 2022, Nhà máy alumin Nhân Cơ đạt sản lượng alumin quy đổi hơn 500 nghìn tấn, hoạt động tiêu thụ khá thuận lợi, đơn giá xuất khẩu dao động từ 390 đến 470 USD/tấn, có thời điểm lên hơn 530 USD/tấn. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV. Trên cơ sở tiềm năng và thực tế hoạt động của dự án, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch hành động, quy hoạch khoáng sản quốc gia để xem xét cho chủ trương đầu tư tổ hợp bauxite-alumin-nhôm; cơ chế đầu tư năng lượng tái tạo song song với chế biến sâu bauxite. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đầu tư tổ hợp khai thác bauxite, alumin và nhôm đã được Bộ Chính trị cho chủ trương chính thức, Chính phủ đang xây dựng chương trình hành động và giao Bộ Công thương thực hiện. Thời điểm hiện tại, đã hoàn tất dự thảo chương trình hành động, dự kiến cuối quý III tới sẽ được đưa ra họp bàn thông qua. Về diện tích đất hoàn thổ dự án khai thác quặng bauxite, Bộ Công thương đề nghị tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan cùng TKV lên phương án bàn giao đất cho địa phương để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội theo hình thức quản lý tài sản công.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về chiến lược ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2045, với định hướng: Áp dụng mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản; lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế. Nghị quyết cũng nêu rõ: “Ưu tiên cấp phép dự án khai thác khoáng sản cho tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với địa chỉ sử dụng khoáng sản; cải tạo, mở rộng nâng cấp các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, thu hồi tối đa khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm, bảo vệ môi trường sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn”. Theo đánh giá của các chuyên gia, để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các ngành công nghiệp chính là cốt lõi cần được ưu tiên. Việc khai thác một cách hợp lý, hiệu quả tiềm năng về khoáng sản nhằm tự chủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào bên ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay chính là mục tiêu cả trước mắt lẫn lâu dài nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực luyện kim một cách bền vững.
Ý kiến ()