Đầu tư hiện đại hóa mỏ than, tăng năng lực sản xuất
Năm 2022, dù phải đối mặt với tác động chưa từng có của dịch Covid-19 và giá vật tư, nhiên liệu tăng cao, song ngành than vẫn chủ động, linh hoạt trong điều hành, duy trì ổn định sản xuất, việc làm cho hơn 94.000 lao động, cung ứng đủ than cho phát triển nền kinh tế.
Công ty Cảng và kho vận Cẩm Phả bốc xúc than phục vụ tiêu thụ. |
Trong giai đoạn hiện nay, TKV xác định “chìa khóa” để tăng trưởng ổn định chính là hiện đại hóa các mỏ, áp dụng “3 hóa” (cơ giới hóa-tin học hóa-tự động hóa) để tăng năng lực sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số và đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Sản xuất đi liền chống dịch
Ngay từ đầu năm 2022, các đơn vị sản xuất than thành viên của TKV phải chịu áp lực chưa từng có. “Cơn lốc” dịch Covid-19 càn quét qua hầu hết các mỏ than khu vực Quảng Ninh, nơi tập trung đông lực lượng công nhân, làm lây nhiễm chéo, khiến nhiều dây chuyền sản xuất bị đứt gãy do thiếu nhân lực trầm trọng cho sản xuất. Giám đốc Công ty than Thống Nhất Nguyễn Mạnh Toán nhớ lại: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến tháng 4/2022 đã khiến khoảng 70% nhân công lao động của công ty bị cách ly, một số phân xưởng buộc phải tổ chức lại sản xuất, giảm từ 3 ca còn 2 ca, có phân xưởng chỉ sản xuất 1 ca. Việc này đã gây gián đoạn sản xuất, ảnh hưởng chung đến chỉ tiêu của công ty, nhất là chỉ tiêu đào lò chuẩn bị sản xuất”. Do có sự chuẩn bị tốt về diện khai thác, đến nay Công ty than Thống Nhất đã khai thác và tiêu thụ gần 1,6 triệu tấn than, vượt mức kế hoạch được giao; thu nhập bình quân của người lao động khoảng 16,5 triệu đồng/tháng.
Tại Công ty than Ðèo Nai, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Ðăng Hưng cho biết, chưa năm nào sản xuất của đơn vị gặp khó như năm nay. Sau ca F0 đầu tiên của công ty vào đầu tháng 1/2022, dịch bùng lên với tốc độ lây nhiễm rất nhanh, gần 700 công nhân phải cách ly, khiến sản xuất bị xáo trộn mạnh. Công ty than Ðèo Nai đã sáng tạo cho công nhân nhận lệnh giao ca trực tuyến, vừa hạn chế tiếp xúc và tiết kiệm thời gian mỗi ca nửa tiếng. Việc nhận lệnh trực tuyến hiện nay vẫn áp dụng thực hiện, được nhiều đơn vị trong ngành than làm theo. Công ty khai thác lộ thiên ở mức âm 235m, khi dịch tạm lắng thì gặp mưa kéo dài, lòng moong tích nước hơn 1 triệu m3, phải huy động máy bơm liên tục đến đầu tháng 11 mới tiếp tục khai thác được trở lại.
Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải cho biết: Tính đến hết tháng 3/2022, TKV đã ghi nhận quá nửa số công nhân lao động bị mắc Covid-19, buộc phải cách ly từ 7 đến 14 ngày, khiến các đơn vị phải tạm dừng ở một số vị trí, dây chuyền sản xuất hoặc bố trí rút xuống còn 1 hoặc 2 ca/ngày. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ than trong nước thời điểm đầu năm có dấu hiệu tăng cao trở lại. Ngành than vấp phải nghịch lý thiếu nhân lực sản xuất trong khi phải tăng sản lượng than cho sản xuất, bảo đảm phát triển năng lượng. Các đơn vị thành viên đã nhanh chóng “kích hoạt” nhiều biện pháp chống dịch nghiêm túc, bố trí nhân lực sản xuất phù hợp, bao phủ tiêm vắc-xin cho công nhân,… Chỉ sau một thời gian ngắn, các đơn vị đã dần kiểm soát dịch, làm chủ tình hình, giảm các ca lây nhiễm chéo để ổn định sản xuất, chạy đua với thời gian đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép”. Nửa cuối năm, hoạt động sản xuất và tiêu thụ than cũng bị ảnh hưởng do giá cả nguyên, nhiên liệu tăng cao,… Tập đoàn đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị tiết giảm chi phí 2% bằng các giải pháp kỹ thuật công nghệ, quản lý; phát động nhiều phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất nhằm cung ứng đủ than cho nền kinh tế.
Bứt phá cho hành trình mới
Chiến lược “3 hóa” trong các dây chuyền sản xuất than được xác định là “xương sống” giúp các đơn vị thành viên của TKV phát triển bền vững. Cùng với đó, quá trình xây dựng mô hình “Mỏ hiện đại-mỏ xanh, sạch, đẹp-mỏ an toàn-mỏ ít người” đã giúp TKV bứt phá, đạt nhiều thành tựu trong sản xuất. Trong thời gian tới, TKV vẫn xác định ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, nâng công suất mỏ, hướng đến phát triển bền vững. Lĩnh vực sản xuất than lộ thiên, TKV đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng cho dự án Bắc Bàng Danh tại Công ty than Hà Tu, với trữ lượng than nguyên khai 23,5 triệu tấn, công suất thiết kế 3,3 triệu tấn than/năm. Mảng sản xuất hầm lò, TKV đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng cho dự án mỏ Mạo Khê (Công ty than Mạo Khê) dưới mức âm 150m; hơn 12.500 tỷ đồng cho dự án Khe Chàm II-IV (Công ty than Hạ Long). Trong giai đoạn 2022-2025, các dự án này sẽ cho ra than, không chỉ mở hướng nâng cao năng lực sản xuất cho các đơn vị ngành than, mà còn bảo đảm việc làm lâu dài cho hàng chục nghìn công nhân mỏ.
Trong điều kiện diện sản xuất ngày càng xuống sâu, công nghệ khai thác hiện đại đã mang lại hiệu quả “kép” đối với ngành than, không chỉ tiết giảm số lượng lao động, cải thiện điều kiện làm việc mà còn bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất cho hàng chục nghìn công nhân mỏ. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, các mỏ hầm lò đã giảm tổn thất tài nguyên còn dưới 20%; năng suất lao động (tính theo giá trị) tăng bình quân 12%/năm; làm lợi trung bình 450 tỷ đồng/năm. Tại Công ty than Vàng Danh, cuối năm 2017, đối tác Cộng hòa Séc đã chuyển giao thành công công nghệ khai thác than bằng hệ thống lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đầu tiên. Lò chợ cơ giới hóa này đến nay vẫn có sản lượng “khủng” nhất (gần 300.000 tấn/năm) của công ty. Cuối năm 2019, Công ty than Vàng Danh tiếp tục đưa máy đào lò EBH-45, một trong những máy đào lò tốc độ nhanh nhất của TKV hiện nay (mỗi tháng đào gần 50m, trong khi công nghệ đào lò cũ chỉ khoảng 32-35m). Bên cạnh cơ giới hóa tối đa các khâu trong dây chuyền khai thác và đào lò, công ty còn đầu tư hệ thống làm mát không khí bằng nước lạnh tuần hoàn khép kín xuống hầm lò. Nước sạch được dẫn từ ngoài mặt bằng vào trong lò bằng hệ thống máy bơm, đường ống, thông qua thiết bị làm lạnh tới các vị trí sản xuất trong lò chợ cơ giới hóa. Hệ thống này giúp cải thiện điều kiện vi khí hậu trong lò chợ cơ giới hóa, nâng cao sức khỏe người lao động, tăng hiệu quả sản xuất.
Chúng tôi gặp thợ lò Nguyễn Văn Sơn, công nhân Phân xưởng Ðào lò 12 Vàng Danh, đã có thâm niên 17 năm trong nghề. Anh cho biết, Phân xưởng Ðào lò 12 có 108 cán bộ, công nhân, chia mỗi ca sản xuất 32 người. Ðường lò của Vàng Danh rộng thênh thang với chiều cao 3,5m, rộng 3,9m, tiết diện 10,9m2, nhưng mỗi ca sản xuất của Phân xưởng Ðào lò 12 vẫn đào được 4-6m nhờ áp dụng công nghệ cơ giới hóa, thu nhập bình quân 22-26 triệu đồng/người. Giúp thợ lò “an cư lạc nghiệp”, từ năm 2012, Công ty than Vàng Danh đã đầu tư 55 tỷ đồng xây dựng khu chung cư kiểu mẫu, quy mô 132 phòng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 500 công nhân. Các phòng được trang cấp đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như điều hòa, ti-vi, tủ lạnh, máy giặt, nóng lạnh khép kín. Ðặc biệt, công ty còn bố trí ba “phòng hạnh phúc” có đầy đủ tiện nghi để phục vụ những dịp đoàn tụ của gia đình thợ mỏ. Vừa qua, Vàng Danh tiếp tục đưa vào hoạt động bể bơi 4 mùa tại khuôn viên chung cư cho công nhân.
Ðầu tháng 10 vừa qua, trong bối cảnh đối diện những tác động bất lợi của dịch Covid-19 và thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, TKV đã phát động chiến dịch thi đua sản xuất 90 ngày đêm. Ðây là năm thứ 3 liên tiếp (từ năm 2020 đến nay), TKV phát động chiến dịch thi đua đặc biệt này, với 100% các đơn vị sản xuất hưởng ứng chiến dịch. Ðánh giá về cơ hội và thách thức của ngành than trong thời gian tới, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh: Theo dự báo, nhu cầu than vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi lượng than dự trữ không nhiều, một số dự án đầu tư trọng điểm của ngành than gặp khó khăn, thiếu nhân lực sản xuất hầm lò. Với tinh thần đáp ứng cao nhất sản lượng than cho điện và các khách hàng, TKV tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, nhất là chiến dịch thi đua sản xuất 90 ngày đêm, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm nay với sản lượng 40,5 triệu tấn, tiêu thụ 47 triệu tấn than; lợi nhuận hơn 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 21.500 tỷ đồng. Trong đó, cung cấp đủ lượng than cho nhiệt điện được TKV coi là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 với sản lượng khoảng 35 triệu tấn.
Ý kiến ()