Đầu tư hạ tầng cho châu Phi
Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Ga-bông.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế Tô-ki-ô về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ bảy, diễn ra mới đây ở thành phố Y-ô-cô-ha-ma của Nhật Bản, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét khẳng định, thế giới đang cảm nhận được sự phát triển năng động của châu Phi với nhiều cơ hội to lớn. Châu Phi đang là nơi tập hợp sức mạnh của nhiều “luồng gió hy vọng”. Để thúc đẩy tiềm năng này, theo người đứng đầu LHQ, cần trang bị cho các nước châu Phi các công nghệ mới, đồng thời phân bổ nguồn lực bổ sung để giúp “lục địa đen” phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục người trẻ và chấm dứt xung đột vũ trang trên lục địa.
Ticad với sự tham gia của nhiều lãnh đạo Nhật Bản và các nước châu Phi, đại diện tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, là cơ hội để các bên thúc đẩy các sáng kiến hợp tác với “lục địa đen”. Quan hệ đối tác quốc tế được tăng cường trong khuôn khổ hội nghị đã góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi kinh tế trên lục địa, tinh thần kinh doanh và thương mại cũng được nâng cao. Hội nghị triển khai nhiều dự án giúp mở rộng các cơ hội tiếp cận của người dân châu Phi đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch và vệ sinh, cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định.
Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) bắt đầu có hiệu lực từ giữa năm nay, đưa châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia, kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được thành lập. Ngoài việc loại bỏ thuế đối với hoạt động thương mại nội khối châu Phi, AfCFTA còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực và hưởng lợi từ thị trường “lục địa đen”. Song, theo Tổng Thư ký A.Gu-tê-rét, để tối ưu hóa các cơ hội hợp tác ở châu Phi, bài toán đặt ra là ưu tiên tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp kết nối các nước châu Phi bằng đường bộ, đường biển và đường không, cũng như viễn thông. Với cách tiếp cận này, chi phí kinh doanh ở châu Phi sẽ giảm đáng kể, theo đó khả năng cạnh tranh của các quốc gia trong lục địa sẽ tăng lên.
Cánh cửa giao thương giữa các quốc gia châu Phi, thị trường trị giá 2.500 tỷ USD từng bước được mở rộng. Trong số 1,2 tỷ người sống ở các nước châu Phi, hơn 60% số dân dưới 35 tuổi. Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và việc làm cho những người trẻ tuổi, cũng như phát triển công nghệ trên “lục địa đen”. Công nghệ và đổi mới đóng vai trò trung tâm trong việc giải phóng tiềm năng to lớn của châu Phi. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi trang bị cho người dân châu Phi những kiến thức cần thiết để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong thế kỷ 21. Ông Gu-tê-rét tin rằng, chính sự thiếu đầu tư vào giáo dục và khoa học, công nghệ đã kìm hãm sự phát triển của châu Phi và tước đi cơ hội của người trẻ.
Thúc đẩy hợp tác, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng ở “lục địa đen” cũng là mong muốn của các lãnh đạo châu Phi. Hồi đầu năm nay, khi Ai Cập chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi khẳng định, châu Phi rất muốn tăng cường hội nhập và sẽ mở rộng tầm nhìn hợp tác châu Phi với nhiều đối tác quốc tế khác nhau. Cũng theo Tổng thống Xi-xi, “lục địa đen” cần thúc đẩy phát triển hạ tầng, cách mạng công nghệ tiên tiến, các ngành công nghiệp và dịch vụ mới gắn liền nền kinh tế, kỹ thuật số.
Giới lãnh đạo châu Phi tích cực kêu gọi các đối tác, tổ chức quốc tế và các công ty đa quốc gia đầu tư vào lục địa này, trong bối cảnh thị trường châu Phi đã mở, điều kiện đầu tư đã sẵn sàng để vươn ra thế giới. Và một trong những ưu tiên của châu lục là khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tối đa hóa các dự án xuyên biên giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()