Đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng giao thông - sức bật mới cho nền kinh tế
Năm 2023 dần khép lại cũng là lúc nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông lớn trên cả nước hối hả chạy đua nước rút để về đích.
Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Trong số này có bốn dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải được tổ chức lễ khánh thành trong cùng một ngày, đó là dự án mở rộng sân bay Điện Biên, dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng.
Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của các cơ quan, ban, ngành và đơn vị thi công bốn dự án nêu trên vì phải triển khai thi công đúng vào giai đoạn đỉnh điểm khó khăn cho hoạt động đầu tư xây dựng trên cả nước do tác động của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn thời gian thi công, giá nguyên vật liệu leo thang, thiếu vật liệu san lấp nền…
Vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức đó, có dự án đã về đích sớm so với kế hoạch, đem lại niềm vui và nhiều kỳ vọng cho người dân ngay trước thềm năm mới 2024.
Đơn cử, sân bay Điện Biên sau khi nâng cấp không chỉ có tác dụng rút ngắn thời gian bay Hà Nội-Điện Biên chỉ còn 1 giờ mà còn cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng đến TP Hồ Chí Minh vì sân bay của vùng Tây Bắc đã có đủ điều kiện đón các dòng máy bay cỡ lớn vào khai thác.
Quan trọng hơn, khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước ASEAN.
Tương tự, việc khánh thành đường bộ cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai cũng cho phép rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang đi Hà Nội chỉ còn hơn 1 giờ thay vì 2,5 giờ như trước.
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc đưa vào khai thác hai dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và Cầu Mỹ Thuận 2 đã góp phần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng, bởi đây là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông, đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ.
Như vậy từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 730 km đường cao tốc được khánh thành và đưa vào khai thác, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km.
Bên cạnh đó còn có gần 1.700 km đường cao tốc đang triển khai thi công, hướng đến mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030.
Thực tiễn đã chứng minh nếu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại sẽ đem lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội. Việc Quốc hội, Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi động các dự án đường cao tốc đã mang lại khí thế mới cho nền kinh tế.
Cách tiếp cận chiến lược đầu tư cho hạ tầng giao thông như vậy đã thể hiện được sự bứt phá của cơ quan điều hành, tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế trong dài hạn. Đó chính là sức bật mới cho nền kinh tế, vì “đại lộ sinh đại phú”, đường thông kinh tế cũng sẽ thông.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()