Đầu tư đồng bộ cho hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá
Đầu tư đồng bộ hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá là mục tiêu chung của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung. Bởi khi có hệ thống hạ tầng và dịch nghề cá phát triển đồng bộ, sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển, đưa nghề khai thác xa bờ tại miền Trung phát triển.
Tại TP Đà Nẵng, nhận thức được vai trò của hạ tầng nghề cá đối với sự phát triển của ngành đánh bắt xa bờ nên thành phố đã sớm quan tâm, tranh thủ hỗ trợ của Trung ương để đầu tư xây dựng khu neo đậu Âu thuyền Thọ Quang với sức chứa khoảng 800 tàu thuyền và các dịch vụ hậu cần nghề cá kèm theo như: Cảng cá, khu chợ thu mua thủy sản, hệ thống nhà máy cung cấp nước đá, các kho và nhà máy chế thủy sản, các nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu thuyền… ngay tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.
Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm đi vào sử dụng, do có vị trí thuận lợi nên nhiều tàu thuyền tại các tỉnh miền Trung khác như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên… thường xuyên đến neo đậu, bán sản phẩm sau chuyến biển cũng như mua sắm nhiên liệu, thực phẩm… phục vụ cho chuyến biển tiếp theo. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, các tàu thuyền từ nhiều tỉnh thành về neo đậu làm cho Âu thuyền này quá tải và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mặc dù có sức chứa tới 800 tàu thuyền, nhưng hiện nay Âu thuyền |
Trước thực trạng trên, nhiều ngư dân kiến nghị các tỉnh cần thiết nên có sự rà soát, bổ sung quy hoạch và xây dựng mới các khu neo đậu tàu thuyền cũng như các khu chợ đầu mối thu mua, chế biến thủy sản để tránh dồn về một nơi như tại Âu thuyền Thọ Quang của Đà Nẵng thời gian qua gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và thu mua, chế biến thủy sản tại đây.
Trong khi đó, phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đến kiểm tra, nắm bắt tình hình kế hoạch triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tại Quảng Nam vào giữa tháng 9 vừa qua, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị với Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhiều vấn đề có liên quan. Trong đó, khẳng định Quảng Nam hiện nay khâu yếu vẫn là thiếu các cơ sở hạ tầng nghề cá như: khu neo đậu, khu đóng và sữa chữa tàu thuyền, chợ đầu mối thu mua thủy sản, hệ thống kho và nhà máy chế biến… mặc dù Quảng Nam có đội tàu đánh bắt xa bờ khá đông. Vì thế, Bộ cần báo cáo xin Chính phủ tăng cường đầu tư cho Quảng Nam để phát triển hậu cầu nghề cá và các dịch vụ kèm theo của nghề này.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Trần Đình Tùng phản ánh, trong thời gian qua, ngư dân Quảng Nam do thiếu các cơ sở hạ tầng nghề cá này nên khi có nhu cầu đóng mới, sữa chữa tàu thuyền phải ra tận Đà Nẵng hay vào Quảng Ngãi để thuê. Điều này ảnh hưởng rất lớn bởi thời gian, công sức và tiền của; thậm chí sau khi sữa chữa, đóng mới thì khâu bảo trì thiết bị, máy móc cũng rất khó khăn cho ngư dân.
Do vậy, “Khi triển đầu tư cho ngư dân theo tinh thần Nghị định 67, chúng ta không nên chỉ tập trung đầu tư phát triển tàu thuyền cho ngư dân mà nên chú ý đến đầu tư cho hạ tầng nghề cá và các dịch vụ kèm theo” – ông Tùng lưu ý.
Do thiếu cơ sở sữa chữa, đóng mới tàu thuyền nên ngư dân Quảng Nam |
Cùng suy nghĩ này, ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phường 6 TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) cho rằng, ở Phú Yên hiện nay nhiều cửa biển đã bị cát bồi lấp, tàu thuyền khó ra vào. Điều này đã buộc không ít chủ tàu khi đánh bắt về phải neo đậu tại các khu vực khác xa hàng chục km so với các khu vực tiêu thụ sản phẩm, làm cho chi phí và nhân công tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập của các chủ tàu và người lao động trên biển. Vì thế, khi đầu tư phát triển nghề cá theo Nghị định 67 Nhà nước nên xem xét, hỗ trợ để khơi thông luồng lạch các cửa biển, đầu tư thêm các khu chợ đầu mối thu mua thủy sản cũng như các khu vực neo đậu tàu thuyền an toàn vào mùa mưa bão…
Rõ ràng, các ý kiến kể trên đều cho thấy, việc triển khai các chính sách đầu tư phát triển nghề cá theo tinh thần Nghị định 67 hiện nay không nên chỉ tập trung phát triển, đóng mới tàu lớn, vỏ sắt hoặc composite cho ngư dân mà nên đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng nghề cá và các dịch vụ đi kèm của nghề này. Đây chính là mong đợi của các cấp chính quyền và ngư dân tại các địa phương hiện nay.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()