tle=”Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số”> Lớp dạy chế tác nhạc cụ cho thanh, thiếu niên được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng bon Bu Prâng, xã Đắk N'Drung (Đác Song, Đác Nông). ( Ảnh: ĐỨC HÙNG ) Trong những năm qua, cùng với các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), của Trung ương, tỉnh ĐẮC NÔNG lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS, góp phần làm thay đổi diện mạo các buôn, làng, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào.
Hiệu quả các nguồn vốn đầu tư
Về các xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh Đác Nông như: xã Đác Plao, Đác Som (huyện Đác Glong); Đác R’tíh, Quảng Trực (huyện Tuy Đức)… chúng tôi chứng kiến các công trình như đường giao thông, trung tâm cụm xã, chợ, trường học được xây dựng khang trang; nhiều công trình hồ đập, kênh mương, thủy lợi được kiên cố hóa; hệ thống điện lưới quốc gia vươn đến tận các buôn, làng… Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đác Nông Kờ Bốt tâm sự: Chỉ cách đây gần 10 năm, các xã vùng sâu, vùng xa này chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã, mỗi lần về công tác phải thuê xe thồ chở vào trụ sở UBND xã làm việc rồi chở quay lại. Những hôm gặp trời mưa, đường sá lầy lội không về kịp phải ngủ lại ở nhà dân là chuyện bình thường. Vậy mà chỉ 10 năm sau, được sự quan tâm đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, bộ mặt từ xã đến các buôn, làng có nhiều thay đổi. Chỉ riêng nguồn vốn Chương trình 135 (cả hai giai đoạn I và II) từ năm 1999 đến nay đã đầu tư vào 25 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh hơn 162 tỷ đồng, xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng hơn 250 công trình các loại như: đường giao thông, trường học, chợ lồng, hồ đập, kênh mương thủy lợi, cầu cống, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng… Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình 132 và 134 của Chính phủ, Đác Nông đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng mới 2.531 căn nhà và sửa chữa 2.728 căn nhà cho những hộ đồng bào DTTS gặp khó khăn về nhà ở, ổn định cuộc sống; khai hoang giải quyết đất cho 721 hộ thiếu đất ở, diện tích thiếu 18,68 ha và 851 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích 328,2 ha; xây dựng, đưa vào sử dụng 133 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các buôn, làng phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 10.100 hộ dân… Bên cạnh các chương trình của Trung ương, Đác Nông còn triển khai thực hiện có hiệu quả dự án phát triển bền vững 12 buôn, bon trọng điểm với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2011, Đác Nông còn triển khai thực hiện Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào DTTS, do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ 23,82 triệu USD, tương đương với 460 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA từ IFAD chiếm 81,27%, vốn viện trợ không hoàn lại là 1,8%, số kinh phí còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ, vốn vay hỗ trợ tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và vốn đóng góp của người hưởng lợi. Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến 2016 tại 23 xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh…
Cuộc sống mới ở các buôn, làng
Đến xã Đác Nia, thị xã Gia Nghĩa, là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Toàn xã hiện có 2.429 hộ, với 8.800 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 22% dân số. Phó Bí thư Đảng ủy xã Đác Nia H’Mai cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nhiều chương trình lồng ghép khác của tỉnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, buôn đều được nhựa hóa; 100% số hộ trong xã đã có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất nhiều năm nay; các buôn đồng bào DTTS đều có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; các trường học trên địa bàn đều được kiên cố hóa và tầng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào trong xã đến trường. Đặc biệt, toàn xã hiện chỉ còn 350 hộ nghèo, số hộ khá và giàu chiếm đến 30%. Chúng tôi tới thăm già làng K’Măng, ở buôn N’riêng. Trong câu chuyện, già K’Măng tự hào: “Chưa bao giờ già thấy buôn làng cũng như đời sống của bà con mình thay đổi lớn như hôm nay. Từ cuộc sống du canh, du cư, sống trong những căn nhà tranh tre rách nát, thiếu ăn triền miên, đến nay bà con mình đã được định canh, định cư ổn định, cuộc sống no đủ, sung túc, con cháu được học hành chu đáo, cho nên bà con trong xã rất phấn khởi và luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng”.
Ngược lên huyện biên giới Tuy Đức vào một ngày giữa tháng 9, dọc hai bên đường nhựa dẫn vào trung tâm huyện, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước mầu xanh ngút ngàn của những vườn cao-su, cà-phê, hồ tiêu xanh tốt. Khuất sau những vườn cao-su, hồ tiêu là những buôn làng M’Nông, Mạ đã được định cư ổn định, với những trường học và nhà dân xây dựng kiên cố khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Trần Đình Mạnh phấn khởi thông báo: Mặc dù mới được thành lập năm 2007 và thuộc huyện biên giới, đồng bào DTTS chiếm gần 45% dân số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng những năm qua, thực hiện các chương trình mục tiêu của Chính phủ như: Chương trình 168, 132, 134, 135 và các chương trình đầu tư của tỉnh về giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS đã đạt kết quả thiết thực. Đến nay, diện tích đất sản xuất toàn huyện mở rộng lên 26.067 ha, với sản lượng đạt hơn 107 nghìn tấn, tăng 1,5 lần diện tích và hai lần sản lượng so với năm 2007. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 40% mạng lưới đường giao thông liên xã, liên thôn đã được nhựa hóa; 95% số thôn, buôn, bon đã có điện lưới quốc gia và 84% số hộ được sử dụng điện; 75% số dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và 74% số buôn, bon đồng bào DTTS đã có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng…
Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Lê Diễn khẳng định: Việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS là một chủ trương đúng đắn của Trung ương cũng như của tỉnh. Những công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu bức thiết, giúp đồng bào định canh, định cư ổn định, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Đồng thời, qua đó còn làm thay đổi tư duy nhận thức của đồng bào từ sản xuất du canh, du cư sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, đời sống của phần lớn đồng bào DTTS trong tỉnh có nhiều cải thiện rõ nét; bộ mặt các buôn, làng đã và đang có nhiều thay đổi lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,8%… Những kết quả đó đã củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tăng cường giám sát các nguồn vốn đầu tư
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS là một chủ trương đúng đắn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền. Ở Đác Nông, những năm qua Trung ương và tỉnh đã đầu tư vào vùng đồng bào DTTS một nguồn vốn khá lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn bộc lộ những bất cập, hạn chế không chỉ gây lãng phí ngân sách Nhà nước mà làm mất lòng tin của nhân dân. Một số địa phương ở cơ sở và một số ngành khi được giao làm chủ đầu tư các công trình, hạng mục đã không lấy ý kiến người dân về địa điểm đầu tư, lơ là, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát quá trình thi công, nên nhiều công trình, hạng mục khi xây dựng xong đưa vào sử dụng không phát huy hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí tiền của. Đơn cử như quá trình thực hiện Chương trình 132, 134, 135 tại Đác Nông, các ngành và nhiều địa phương không tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trong việc lựa chọn hạng mục, công trình đầu tư và địa điểm xây dựng; không khảo sát kỹ nhu cầu cần hỗ trợ của đồng bào trong việc xây dựng nhà ở và các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chợ nông thôn… dẫn đến hàng loạt công trình khi xây dựng xong kém chất lượng, hư hỏng, không sử dụng được… Từ thực tế đó, trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, các bộ, ngành Trung ương và các cấp, các ngành trong tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn vốn cũng như chất lượng các công trình, hạng mục đầu tư. Làm sao mỗi công trình, hạng mục khi đầu tư vào vùng đồng bào DTTS không chỉ làm thay đổi diện mạo các buôn, làng, giúp đồng bào phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()