Đầu tư cơ sở hạ tầng: Tạo đà phát triển du lịch Xứ Lạng
Đầu tư công trình trọng điểm
Nằm ở độ cao hơn 1.500 m, Mẫu Sơn được du khách biết đến như một khu du lịch nghỉ dưỡng với khí hậu mát mẻ, nhiều đặc sản núi rừng, bản sắc dân tộc độc đáo. Thế nhưng để lên được đến đỉnh núi Mẫu, thưởng thức những sản vật đó, du khách phải vượt qua một chặng đường đèo với nhiều khúc cua khúc khuỷu.
Để thu hút khách du lịch, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông vào khu du lịch này. Cụ thể, năm 2007, tỉnh đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng cải tạo, mở rộng một số đoạn cua; năm 2014, đầu tư gần 9 tỷ đồng để sửa chữa một số đoạn đường bị mưa bão làm sạt lở.
Ông Ninh Văn Sa, Phó Trưởng Ban Quản lý Du lịch Mẫu Sơn cho biết: Khi giao thông đi lại thuận lợi, khách đến tham quan, du lịch ngày càng nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay, Mẫu Sơn tiếp đón hơn 55 ngàn lượt khách du lịch, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2014.
Nhân viên doanh nghiệp phục vụ khách du lịch
Không chỉ có Mẫu Sơn, từ năm 2006 đến nay, tỉnh ta đã đầu tư phát triển các điểm du lịch sinh thái và du lịch văn hoá với tổng số vốn hơn 627 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước theo kế hoạch, chương trình mục tiêu của trung ương và của tỉnh hơn 559 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 89%) và vốn đầu tư của các doanh nghiệp trên 68 tỷ đồng (chiếm 11%). Một số dự án đã hoàn thành như: công viên bờ sông Kỳ Cùng giai đoạn I (hơn 36,5 tỷ đồng), khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (hơn 19,4 tỷ đồng)…
Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, với phương châm “xã hội hóa du lịch”, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển du lịch. Từ nguồn xã hội hoá, tỉnh đã trùng tu, nâng cấp được 58 di tích với tổng số vốn gần 37 tỷ đồng (Đền Bắc Lệ, Chùa Thành, Đền Mẫu, Đền Vua Lê…). Tính riêng từ năm 2014 đến nay, đã có 10 di tích được tôn tạo, trùng tu được với số tiền gần 3,7 tỷ đồng.
Tăng cơ sở lưu trú
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn cao cấp, tiêu biểu như: Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Vy’s Boutique (mới được xây dựng năm 2014 và được công nhận đạt chuẩn 3 sao), Khách sạn Diamond…
Toàn tỉnh hiện có 176 cơ sở lưu trú du lịch (tăng gấp 1,5 so với năm 2006). Trong đó đã có 16 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 đến 4 sao, 24 khách sạn 1 sao, còn lại là các cơ sở đạt tiêu chuẩn kinh doanh với tổng số 2.349 buồng, 4.378 giường.
Nhờ đó, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế đã được kéo dài từ 1,2 ngày (năm 2012) lên 1,7 ngày (2014); khách nội địa tăng từ 1,5 lên 2,3 ngày. Thời gian khách lưu trú tăng cũng đồng nghĩa với việc tiêu dùng các sản phẩm du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch tăng.
Hút khách du lịch
Với những cố gắng trong đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp khu lưu trú đã tạo đà cho du lịch Xứ Lạng phát triển, ngày càng hút khách du lịch. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VHTTDL), trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ta đạt hơn 1,7 triệu lượt khách, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu xã hội ước đạt 648 tỷ đồng, tăng 2,5%.
Anh Lê Toàn Trung, khách du lịch đến từ Gia Lâm, Hà Nội nói: “Gia đình tôi năm nào cũng đến Lạng Sơn đi lễ chùa, mua sắm. Trước đây, tôi thường nghỉ ở những khách sạn nhỏ. Bây giờ thì đã có nhiều khách sạn quy mô và giá cả cũng hợp lý hơn để chúng tôi lựa chọn. Và tôi có thể rủ thêm nhiều bạn bè đi cùng vì không lo “cháy” (thiếu) phòng như những nơi khác”.
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc VHTTDL tỉnh cho biết: cùng với rà soát, đôn đốc các dự án đầu tư du lịch hiện có, thời gian tới, ngành tiếp tục xúc tiến với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch. Trong đó tập trung đầu tư phát triển khu du lịch Mẫu Sơn trở thành khu du lịch quốc gia và khu du lịch văn hóa tâm linh kết hợp sinh thái, công viên vui chơi giải trí khu vực Nhị Thanh – Tam Thanh- Thành Nhà Mạc. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch biên giới.
Ý kiến ()