Ðầu tư cho nghệ thuật dân tộc
Cha ông ta để lại một kho tàng nghệ thuật vô cùng phong phú và quý giá, vấn đề đang đặt ra là chúng ta gìn giữ và phát huy nó trong cuộc sống hôm nay như thế nào ?
Cha ông ta để lại một kho tàng nghệ thuật vô cùng phong phú và quý giá, vấn đề đang đặt ra là chúng ta gìn giữ và phát huy nó trong cuộc sống hôm nay như thế nào ?
Việc mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế cùng với sự bùng nổ thông tin có tác động mạnh tới nghệ thuật dân tộc, trong đó có những mặt tích cực nhưng cũng không ít những mặt tiêu cực. Công chúng đến với nghệ thuật dân tộc thưa vắng, đời sống nghệ sĩ gặp khó khăn đòi hỏi các bộ môn nghệ thuật dân tộc cần bươn chải để tồn tại và phát triển. Ðã xuất hiện nhiều cách làm để lôi cuốn công chúng đến với nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên đã xảy ra khá nhiều trường hợp do sùng ngoại, bắt chước ngoại đã làm tổn hại đến giá trị nghệ thuật và bản sắc của nó. Ðã xuất hiện những dàn nhạc tuồng đông đúc và trình diễn như nhạc giao hưởng; những màn đồng ca dân ca quan họ hàng trăm người y như dàn hợp xướng; những vở cải lương trang trí, phục trang hoành tráng đến mức không nhận ra gốc gác của nó; những vở tuồng, chèo không tuân thủ trình thức và nghệ thuật biểu diễn truyền thống, bị nhận xét là “phá tuồng”, “phá chèo”, những màn múa đông người loạn xạ “tây chẳng ra tây, ta chẳng ra ta”… Rõ ràng việc cải biên, nâng cao nghệ thuật dân tộc không phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng hiện đại là cần thiết song dứt khoát không thể tách rời cái nền truyền thống, không thể để mất đi bản sắc nghệ thuật dân tộc, không thể “gieo vừng ra ngô” như Bác Hồ đã dạy. Nghệ thuật dân tộc chỉ hấp dẫn khi phô diễn được những gì là tinh túy.
Muốn gìn giữ bản sắc nghệ thuật dân tộc, trước hết cần chăm lo đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm vì hơn ai hết họ là người nắm vốn nghệ thuật của ông cha. Những nghệ sĩ, nghệ nhân gạo cội đã dành hết tất cả cuộc đời của mình cho nghệ thuật dân tộc mới nắm giữ được những cốt lõi tinh túy, ngón nghề độc đáo truyền từ đời này sang đời khác. Có thể nói họ là những “bảo tàng sống” lưu giữ kho tàng nghệ thuật của ông cha. Bên cạnh đó, họ còn giữ vai trò quan trọng trong việc lưu truyền kho tàng ấy cho các thế hệ kế tiếp. Ðặc thù của việc lưu truyền nghệ thuật dân tộc là truyền dạy. Chính các nghệ sĩ, nghệ nhân lâu năm mới là người truyền nghề trực tiếp cho người học. Họ đã truyền nghề cho nhiều lớp học trò, trong đó nhiều người trở nên nổi tiếng. Lớp nghệ sĩ, nghệ nhân lâu năm, nay đã cao tuổi rất cần được quan tâm chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần. Dường như chúng ta mới chỉ làm được việc vinh danh các nghệ sĩ, nghệ nhân bằng cách phong tặng các danh hiệu mà đôi khi vẫn còn nhiêu khê, chậm trễ đến nỗi một số người đã quá già, hoặc “đi xa” mới phong tặng. Còn nhiều việc có thể chăm lo, khai thác những “bảo tàng sống”. Các nghệ sĩ, nghệ nhân lâu năm tâm huyết với nghề thường khát khao truyền nghề cho lớp trẻ nhưng biết dạy ai, dạy ở đâu. Ðầu tư kinh phí cho việc truyền nghề vừa là cách chăm lo đời sống nghê sĩ, nghệ nhân lâu năm vừa đào tạo được lớp trẻ giỏi nghề tránh tình trạng khi trình diễn nghệ thuật dân tộc chuẩn mực chỉ có người cao tuổi mà sân khấu muốn hấp dẫn lại cần diễn viên có thanh sắc, trẻ trung.
Gần đây có xu hướng muốn xây dựng nhiều nhà hát đồ sộ hiện đại gây nhiều ý kiến tranh cãi. Trong lúc các nhà hát vắng khách một số nhà hát phải chuyển mục đích sử dụng thì xây dựng thêm nhà hát làm gì, điều đó chẳng khác gì chỉ lo cái vỏ mà không lo cái ruột. Trong lúc kinh tế đất nước còn khó khăn, thiết nghĩ cần tập trung đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc để nó tồn tại và phát triển đúng hướng không bị pha tạp, lai căng. Cùng với việc chăm lo đời sống các nghệ sĩ lâu năm, giàu kinh nghiệm, đầu tư khai thác vốn nghệ thuật từ họ, cần gấp rút đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ kế tiếp, nhanh chóng nắm giữ nghệ thuật dân tộc một cách tinh thông bài bản. Sự thiếu hụt nghệ sĩ trẻ tài năng đang là vấn đề nổi cộm trong bảo tồn nghệ thuật dân tộc. Bên cạnh đó cũng cần nguồn kinh phí lớn để dựng vở, phục dựng những vở kịch kinh điển, mẫu mực nhằm vừa bảo tồn vốn cổ vừa tạo “đất dụng võ” cho nghệ sĩ. Công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá nghệ thuật dân tộc cũng cần tiến hành thường xuyên… Tóm lại, còn rất nhiều việc mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu tập trung đầu tư đúng hướng, đúng cách nhằm giữ gìn và phát huy kho tàng nghệ thuật dân tộc vô cùng quý giá.
Theo Nhandan
Ý kiến ()