tle=”Đầu tư cho công nhân chính là đầu tư cho doanh nghiệp”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Công nhân Công ty Changshin mua thực phẩm tại siêu thị của công ty dành cho người lao động.
Công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp (DN) trên cả nước hiện có gần 11 triệu người, chiếm 11% dân số và 21% lực lượng lao động xã hội. Lực lượng này đóng góp tới hơn 60% tổng sản phẩm xã hội. Tuy nhiên, đời sống của công nhân lao động hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh giá cả có xu hướng tăng cao như hiện nay.
Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do thu nhập quá thấp không bảo đảm cuộc sống của người lao động. Tại Đồng Nai (địa phương có khoảng 420 nghìn công nhân đang làm việc tại các DN trong và ngoài khu công nghiệp, phần lớn là lao động ngoài tỉnh) đang diễn ra nghịch lý: các DN luôn trong tình trạng thiếu lao động, trong khi số lao động đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, do phần lớn người lao động chủ động xin nghỉ việc để chuyển đổi ngành nghề hoặc về quê với hy vọng cải thiện thu nhập.
Sau gần mười năm ở trọ làm việc tại Đồng Nai, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy đang làm công nhân Công ty Du – bông, Khu công nghiệp (KCN) Long Bình, phường Long Bình, TP Biên Hòa đang có ý định về quê ở miền bắc, dù chưa biết sẽ làm gì. Lý do được chị đưa ra là 'Những năm trước tiền dành dụm có dư chút đỉnh, nhưng hai năm nay giá cả các mặt hàng, rồi tiền phòng, điện, nước đều tăng, trong khi tiền lương có tăng nhưng so với giá tăng của các mặt hàng thì không đáng kể, cho nên cuộc sống gia đình rất khó khăn'.
Theo khảo sát, hiện nay, mức lương trung bình của công nhân trong các DN ở Đồng Nai chỉ từ 1,8 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập của công nhân thuộc các ngành may mặc, giày da còn thấp hơn. Đây chính là câu trả lời cho lý do 'nhảy việc' của người lao động, khiến nhiều công ty bị động trong sản xuất vì thiếu nhân công. Chị Nguyễn Thị Ngọc, làm việc cho Công ty Daewon Chemical Vina, KCN Long Thành bộc bạch: 'Hiện tại lao động phổ thông được công ty trả khoảng 1,6 triệu đồng/tháng, phụ cấp thêm từ 400 đến 600 nghìn đồng/tháng, tính theo giá cả bây giờ thì lương như vậy đối với đời sống người lao động ở trọ là rất khó khăn'.
Do đời sống gặp nhiều khó khăn dẫn đến người lao động chưa yên tâm làm việc và luôn tìm việc làm mới có mức lương cao hơn, làm thị trường lao động ở Đồng Nai bất ổn. Ngoài ra, theo thống kê của các cơ quan chức năng, mới có khoảng 8% số công nhân làm việc ở các KCN được ở tại các khu nhà do đơn vị sử dụng lao động xây dựng, hoặc do các công ty kinh doanh nhà xây dựng cho công nhân thuê lại. Số còn lại phải tự thuê phòng trọ bên ngoài trong điều kiện ăn ở thiếu thốn, chật hẹp nên họ chưa yên tâm làm việc. Hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 17, trong tổng số hơn 60 dự án đăng ký xây dựng nhà cho công nhân hoàn thành và đưa vào hoạt động, số còn lại đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, lập thủ tục đầu tư. Hiện nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có chế độ chăm sóc tốt cho công nhân, thậm chí còn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) dây dưa kéo dài, xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng của người lao động, dẫn đến đời sống công nhân càng khó khăn hơn. Theo thống kê của BHXH Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hàng chục đơn vị nợ BHXH với số tiền hơn 57 tỷ đồng, trong số này có hơn 30 DN đã ngưng hoạt động và chủ sử dụng lao động đã bỏ trốn. Điều này đồng nghĩa, người lao động sẽ không được hưởng các chính sách liên quan như: ốm đau, thai sản, bảo hiểm y tế… Điều này đòi hỏi cần có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với các DN này để bảo đảm quyền lợi cho công nhân, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Để giữ chân người lao động, nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhằm cải thiện đời sống cho họ. Về vấn đề này, Công ty Changshin đứng chân tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu là mô hình cần được nhân rộng.
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tiến khi chị cùng nhiều công nhân khác đang mua thực phẩm tại siêu thị dành cho công nhân của Công ty Changshin. Chị Tiến tâm sự: 'Tôi làm công nhân tại Công ty Changshin được hơn 15 năm nay, hiện mức lương trung bình đạt gần bốn triệu đồng/tháng. Hằng năm, bên cạnh việc được điều chỉnh tăng tiền lương, tăng các khoản phúc lợi xã hội, tôi còn được công ty thực hiện nghiêm túc chế độ đóng BHXH, BHYT và được tham gia các hoạt động xã hội khác, nên tôi quyết định gắn bó lâu dài với công ty'. Ngoài ra, công ty còn có những chính sách khác cũng rất tốt, cụ thể như chương trình mua bảo hiểm cho người thân, chương trình vòng tay nhân ái, rồi chương trình làm việc dành riêng cho người khuyết tật cũng rất tốt, nên công nhân của công ty rất yên tâm làm việc.
Là DN 100% vốn của Hàn Quốc, Changshin được xếp diện DN có số lượng công nhân lớn nhất tỉnh với gần 27 nghìn lao động. Chính vì vậy, cải thiện đời sống cho người lao động được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Không chỉ thực hiện tốt các chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật, Changshin còn là một trong số ít DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng siêu thị dành riêng cho người lao động, với giá bán luôn thấp hơn giá thị trường. Mới đây công ty đã cho nhập bảy mặt hàng bình ổn giá thiết yếu về bán cho công nhân, gồm: gạo, đường, dầu ăn, bột giặt, muối, mì gói, các mặt hàng tươi sống với số tiền hơn sáu tỷ đồng, trong đó công ty hỗ trợ giá khoảng 1,2 tỷ đồng để giúp người lao động có thể mua hàng với giá thấp hơn so với giá bên ngoài từ 15% đến 20%. Cùng với đó, nhiều chương trình phúc lợi khác cũng đang được triển khai tại DN này, như công ty nhập sách giáo khoa về bán giảm giá cho con người lao động với mức giá thấp hơn 20% so với bên ngoài. Công ty còn có chương trình xây dựng nhà tình thương cho công nhân ngoài tỉnh khó khăn, đến nay đã xây dựng 78 căn nhà; kêu gọi chị em tham gia vào hội tương trợ gia đình Changshin với mục đích hỗ trợ, cải thiện hơn nữa đời sống người lao động.
Theo Trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai Võ Thanh Lập, qua các đợt gặp gỡ, vận động, trong tổng số gần một nghìn DN nước ngoài đang đầu tư trên địa bàn, ở thời điểm này, hầu hết các DN đều tăng thêm thu nhập cho mỗi công nhân từ 200 đến 500 nghìn đồng/tháng bằng cách tăng thêm lương hoặc tăng thêm các khoản phụ cấp cho công nhân, góp phần bảo đảm đời sống cho công nhân. Qua đó, nâng thu nhập bình quân của công nhân ở các DN nước ngoài lên 2,5 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tấn Kiệt cho biết, để ổn định đời sống công nhân, trong nhiều giải pháp chung, trước mắt Đồng Nai chú trọng thực hiện nhiều việc làm cụ thể, như: Vận động các chủ nhà trọ cam kết không tăng giá phòng và thu đúng giá điện nước nhằm chung tay giảm bớt gánh nặng cho công nhân ở trọ. Nhiều chủ nhà trọ đã cam kết không tăng giá phòng, chỉ giữ giá bình quân từ 350 đến 400 nghìn đồng/phòng/tháng và thu đúng giá tiền điện, nước, qua đó giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống của công nhân. Đồng thời, vận động các DN có số lượng công nhân từ năm nghìn lao động trở lên bán các mặt hàng thiết yếu ưu đãi cho công nhân như Công ty Changshin đã làm; phối hợp Sở Công thương tổ chức các phiên chợ vui cho công nhân để bán hàng bình ổn giá thấp hơn giá thị trường từ 10 đến 15% ở các KCN tập trung đông công nhân. Từ đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tổ chức nhiều phiên chợ vui, thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Vào những thời điểm có nhiều khó khăn, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn cơ sở thường xuyên gần gũi công nhân, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công nhân, đề xuất và thương lượng với chủ DN giải quyết những quyền lợi chính đáng cho công nhân, bảo đảm hài hòa mối quan hệ lao động; phối hợp các địa phương, ban, ngành tăng nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho công nhân theo chương trình đã được tỉnh phê duyệt; kiểm tra xử lý các nhà trọ thu giá phòng, điện, nước không đúng quy định.
Cụ thể hóa chủ trương này, trong những ngày qua, TP Biên Hòa (địa phương có hơn 9.500 hộ kinh doanh phòng trọ với hàng chục nghìn người thuê trọ) đã lập đoàn liên ngành liên tục kiểm tra các chủ nhà trọ. Kết quả, phần lớn chủ nhà trọ không tăng giá phòng, điện, nước như đã cam kết, nhưng vẫn còn một số nhà trọ lợi dụng sự thiếu thông tin về chính sách ưu đãi giá điện cho người lao động vẫn thu tiền điện phổ biến ở mức 2.000 đồng/kW giờ (trong khi các hộ này đã được cấp điện mức ưu đãi về giá bán điện, theo quy định của Nhà nước) cho người ở trọ. Tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ trương cho các chủ nhà trọ vay vốn ngân hàng với giá ưu đãi để nâng cấp các nhà trọ hiện không đủ điều kiện về diện tích, ánh sáng, vệ sinh… để công nhân có nơi ở tốt hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()